Tư vấn thẩm định cổ vật

Trang chủ / Tin Tức / BẢO QUẢN VÀ LƯU GIỮ HIỆN VẬT GỐM SỨ (P1)

BẢO QUẢN VÀ LƯU GIỮ HIỆN VẬT GỐM SỨ (P1)Like 0 111

Bảo quản và lưu giữ hiện vật gốm sứ (P1)

I. GIỚI THIỆU VỀ ĐỒ GỐM:
Một hiện vật gốm là hiện vật được làm bằng đất nung ở nhiệt độ ít nhất là 500oC. Ở nhiệt độ này, những tác động của nhiệt độ là không thể thay đổi và cốt đất làm từ đất sét sẽ trở thành gốm. Độ thấm của sản phẩm gốm có thể được dùng như một tiêu chí cho sự phân loại đơn giản nhất về đồ đất nung (độ thấm trên 5 %) và đồ gốm cứng, Người ta có thể phân loại theo nhiều cách khác nhau theo kiểu cốt đất mà người ta sử dụng và nhiệt độ nung:
+ 500 - 900oC : đồ đất nung ở nhiệt độ thấp.
+ 900 - 1.150oC : đồ đất nung.
+ 1.150 - 1.300oC : đồ gốm cứng.
+ 1.300 - 1.450oC : đồ sứ.
Thuật ngữ “nung bánh bích quy” để chỉ việc nung một vật bằng đất chuyển sang tình trạng như bánh bích quy. Tiếp theo, người ta tráng men và trang trí rồi nung lần thứ hai, trừ phi người ta để mộc không tráng men vật đó.
“Màu sắc dưới men” là áp dụng cho đồ sứ mới nung lần thứ nhất và tiếp theo là tráng men rồi đem nung. Vì thế những chi tiết trang trí được men phủ lên và bảo vệ.
Màu vẽ trên men hoặc màu vẽ bằng men được phủ trên bề mặt. Vì thế, chúng ít chịu được sự cọ xát và mài mòn, ít bền hơn màu trang trí dưới men. Tuy nhiên, người ta sử dụng nhiều loại màu sắc phong phú ở hình thức màu vẽ trên men khi nung ở nhiệt độ thấp hơn.
Những loại đồ vật làm bằng bùn phơi khô dưới nắng như gạch, những con số và các bảng chữ hình nêm (giống như chữ Ba Tư và Assyria cổ) sẽ được xem như một bộ phận hình thành nên sưu tập đồ gốm, nhưng không được nung. Nếu để trong nước một thời gian, những hiện vật này sẽ bị phân rã.
1. Đồ gốm bằng đất sét nung (Earthenware):
Thuật ngữ “đồ gốm bằng đất sét nung” chỉ loại đồ gốm thủ công được phân loại từ thô đến tinh, thường có mục đích sử dụng thiết thực, được khắc hoặc sơn để trang trí. Người ta có thể tiến hành việc hoàn thiện bề mặt bằng nhiều công đoạn khác nhau để tăng khả năng chống thấm hoặc để trang trí. Việc đánh bóng có thể được tiến hành vào giai đoạn làm áo trước khi nung để cho ra một sản phẩm tuyệt hảo và tăng khả năng chống thấm (ví dụ đối với những hiện vật thời Villanovan). Một lớp áo mỏng (bằng một loại đất sét được làm mịn) được gọi là “nước áo” được phủ lên bề mặt ở giai đoạn làm cốt trước khi nung. Kiểu làm này mỏng manh dễ vỡ hơn là tráng một lớp men (chẳng hạn đồ gốm Attic màu đỏ và đen, đồ Arrentine và đồ Samian). Nước áo màu trắng đặc biệt mỏng manh và dễ bị ố (ví dụ đồ sứ trắng Hy Lạp).
2. Đồ gốm nâu đỏ không tráng men (Terracotta):
Đồ gốm nâu đỏ không tráng men (gọi một cách văn vẻ là “đồ đất nung”) được nung ở nhiệt độ xấp xỉ 950oC. Đồ gốm nâu đỏ không tráng men có thể là những bức tượng đất nhỏ bé, nhưng cũng có khi là những vật có kích thước rất lớn như những chiếc lư, những phù điêu và chi tiết trang trí trên kiến trúc. Chúng được đổ khuôn, và thường không được tráng men nhưng có một lớp “vỏ nung” bên ngoài trong suốt quá trình tạo mẫu bằng đất sét ướt trước khi đưa vào lò nung.
Đôi khi trước lúc nung, ở giai đoạn làm áo, người ta trang trí màu trắng trơn hoặc nếu trang trí theo từng đoạn, người ta thực hiện trước và sau khi nung (ví dụ những bức tượng bằng đất nung Tanagra của Hy Lạp). Thỉnh thoảng, những đồ vật bằng gốm nâu đỏ không tráng men được bọc bằng một lớp vôi bám, rồi trang trí theo từng đoạn và/hoặc mạ vàng (chẳng hạn những chiếc lư ở Etruscan).
3. Đồ gốm đất nung có tráng men (Glazed earthenware):
Đồ gốm đất nung có tráng men được phân loại theo đặc điểm về men và trang trí. Men được làm từ thủy tinh và kết dính với gốm trong quá trình nung lần thứ hai. Đồ gốm bằng đất sét nung có tráng men gồm gốm trắng, gốm màu ngà, màu ngọc bích và tất cả loạiì gốm Staffordshire. Đồ gốm tráng men màu thiếc bao gồm gốm Delft, Faience và Maiclica.
4. Đồ gốm trơn (Lustreware):
Đồ gốm trơn có thêm sự xuất hiện của kim loại trong men, hoặc là phủ toàn bộ hoặc là theo mẫu (Đồ sứ cũng thường sử dụng cách này)
5. Đồ sành cứng (Stoneware):
Nằm giữa hai loại đồ gốm đất nung và đồ sứ, đồ sành cứng được làm bằng đất sét và một loại đá có thể nấu chảy được. Nó cứng, mạnh và trong như thủy tinh. Cả lớp cốt và men chín cùng một lúc, hình thành nên một lớp hỗn hợp cốt và men hòa vào nhau. Đôi khi, người ta dùng một lớp men có muối cho những mục đích trang trí. Màu của loại đồ sành này có thể là vàng, nâu đậm, xám hoặc xanh (chẳng hạn đồ sành cứng được tráng men muối của Anh và Rhen, đồ gốm ngọc thạch anh và đá bazan không tráng men Wedgwood, đồ gốm men ngọc của Trung Quốc).
6. Đồ sứ (Porcelain):
Có ba loại đồ sứ chính: đồ sứ cứng, đồ sứ xốp và đồ sứ làm bằng đất sét và tro xương (bone china). Đồ sứ cứng và đồ sứ xốp đều được nung ở nhiệt độ giữa 1.200oC và 1.450oC. “Cứng” tương ứng với đồ sứ nung ở nhiệt độ khoảng 1.450oC và “nhẹ xốp” ứng với nhiệt độ nung vào khoảng 1.200oC.
a. Đồ sứ cứng (Hard paste porcelain):
Đồ sứ cứng cũng được coi là đồ sứ “thật sự” hay “đồ sứ nung ở nhiệt độ cao”. Nó được làm từ đất sét trắng chịu nhiệt (kaolin) và một loại đá trường thạch được nấu thành thủy tinh và thường có màu trắng. Khi mỏng, nó trong mờ. Cốt đất và men trộn với nhau tạo ra một lớp cốt - men rất dày làm cho loại đồ sứ này rất cứng. Loại này được làm lần đầu tiên tại Trung Quốc vào năm 900 sau Công nguyên nhưng không thành công bằng loại được làm tại châu Âu sau này vào năm 1700 ở Meissen khi kỹ thuật đã trở nên hoàn thiện. Những đồ sứ loại này của Trung Quốc và Nhật Bản, đồ sứ Meissen, đồ sứ Vienna, đồ sứ Sèvre, đồ sứ Plymouth và đồ sứ Bristol là những ví dụ minh họa.
b. Đồ sứ xốp (Soft paste porcelain):
Loại đồ sứ này cũng được coi là đồ sứ “giả” hay “đồ sứ được nung ở nhiệt độ thấp”. Người ta cố gắng bắt chước đồ sứ Trung Quốc thật sự và làm bằng những cách khác nhau nhưng tất cả đều có chứa thủy tinh. Đó là những đồ sứ như đồ sứ Medici, Capodimonte, Routen, Vincennes, Bow, Chelsea, Worcester.
c. Đồ sứ đẹp làm bằng đất sét và tro xương (Bone china):
Đây là loại đồ sứ thực sự được làm thay đổi bằng cách thêm tro xương vào loại đất sét có chất lượng tốt nhất (kaolin) và đá trường thạch. Ở Anh, tro xương được thêm vào đồ sứ giả tạo và đồ sứ thứ thiệt vào khoảng năm 1800 và hiếm khi kỹ thuật này vượt ra khỏi biên giới nước Anh. Việc nung đồ sứ đẹp loại này khác với quá trình sản xuất đồ sứ. Công đoạn nung đồ sứ chưa tráng men được tiến hành ở nhiệt độ khoảng 1.300oC, rồi phủ men ở nhiệt độ thấp hơn, khoảng 1.100oC.
II. NHỮNG VẤN ĐỀ VỀ BẢO QUẢN:
Những loại đồ gốm khác nhau tạo ra các vấn đề bảo quản khác nhau, dựa trên nhiều yếu tố bao gồm không chỉ thành phần cấu tạo và phương pháp sản xuất mà còn ở nguồn gốc của chúng.
1. Đồ gốm khảo cổ học (Archaeological ceramics):
Thuật ngữ “đồ gốm khảo cổ học” dùng để gọi bất kỳ chất liệu gốm nào được khai quật từ nơi khảo cổ. Chất liệu gốm khảo cổ ở niên đại sớm thường là gốm thô, dễ thấm nước và được nung ít. Những vấn đề này kết hợp với những vấn đề như hiện vật được cất giấu hay chôn, có những loại muối tan được hay không tan được, hiện vật bị phủ một lớp vỏ cứng bên ngoài, bị biến màu hay bị mốc. Ở những đồ gốm đất sét nung được khai quật, lớp vỏ bám bên ngoài thường làm men bị hư hỏng trầm trọng. Sự biến màu có thể là do chất hữu cơ (chẳng hạn như cặn thức ăn) hoặc chất vô cơ.
Những dấu hiệu của sự ăn mòn kim loại được phát hiện trên từng phần bề mặt của những hiện vật được mạ vàng và có thể chỉ ra sự hiện diện của đồng trong lớp mạ vàng, hay sự tiếp xúc, gần gũi với những hiện vật kim loại gây ra sự ăn mòn trong suốt quá trình cất giấu hay chôn hiện vật.
Đồ gốm đất nung thu được từ những kết quả khảo cổ học hay từ những nghiên cứu lịch sử có thể có những vấn đề liên quan đến kỹ thuật sản xuất gốm với những sai sót về tỷ lệ cấu thành, và điều này cũng có nghĩa là các bộ phận như quai, tay cầm, đế, hay những chi tiết trang trí không được kết nối với nhau chặt chẽ lắm. Việc trang trí màu sắc có thể chỉ được phủ sơ sài lên bề mặt của hiện vật và dễ dàng bị bong ra hay bị mất, bị bụi đất bám vào và che phủ. Đồ gốm chưa được cất giấu hay chôn có thể vẫn có một số vấn đề như của đồ gốm khảo cổ học nếu điều kiện bảo quản trong nhiều năm không đáp ứng được yêu cầu. Nếu trong quá khứ, những hiện vật được đặt ở ngoài trời (như những chiếc lư, những chi tiết trang trí trong kiến trúc) có bề mặt bị thay đổi khi nước thấm vào làm cứng lại hay nở ra, tác động lên bề mặt của đồ gốm hoặc xảy ra nứt vỡ sâu hơn trên hiện vật. Những hiện vật như những chiếc lọ đựng thuốc, những hiện vật được dùng để đựng có thể bị bẩn và lớp vỏ bám trên bề mặt gốm có thể có liên quan đến những vật đựng ở trong đó trước đây. Những mẫu chuẩn kỹ thuật và việc phân tích mẫu cần được tiến hành trước khi có một quyết định di chuyển hiện vật hay giữ lại nguyên chỗ cũ. Những dấu phục chế cũ có thể là từ thời cổ, chúng ta nên cẩn thận kiểm tra chỗ đắp lên bằng thạch cao, chỗ nhựa trám lại, những bộ phận được gắn bằng nhựa cây và kim loại (thường là chì) được dùng trong phục chế đồ cổ. Lớp bùn khô bao phủ một hiện vật khảo cổ học có thể được cố ý tạo ra để che đậy cho một vật không phải là nguyên bản.
2. Đồ gốm dân tộc học (Ethinographical ceramics):
Cũng giống như đồ gốm khảo cổ học đã nêu ở trên, đồ gốm dân tộc học thường là đồ thô, dễ ngấm nước, được nung ở nhiệt độ thấp hay thậm chí không được nung, và đôi khi có những vấn đề liên quan đến kỹ thuật sản xuất thô sơ. Những vấn đề này có thể kết hợp với những chất hữu cơ như lông vũ, cỏ khô hay da. Người ta phải cực kỳ chú ý đến sự tích lũy bề mặt, những chất thải hữu cơ, xác định cách xử lý và mọi dấu hiệu thể hiện mục đích sử dụng của đồ gốm này là dùng trong gia đình hay cho các nghi lễ. Những đồ gốm loại này không nên di chuyển. Bất kỳ một dấu hiệu phục chế nào cũng có thể có từ khi sản xuất hoặc xảy ra trong quá trình sử dụng. Việc xử lý trên bề mặt tương tự với đồ gốm khảo cổ học. Những chất trung gian hữu cơ như cao su, nhựa cây và dầu dùng làm màu trang trí không phải lúc nào cũng kết chặt với đồ gốm. Những hiện vật mới được sản xuất có thể được trang trí bằng các loại sơn sử dụng cho công nghiệp. Việc sản xuất thô sơ và những lỗi do thành phần cấu tạo có thể đồng nghĩa với việc kết cấu của gốm bị suy yếu, và những tay cầm, chân đế hay chi tiết trang trí có thể chỉ là sự tồn tại nhất thời, người ta cần đặc biệt thận trọng khi cầm vào những hiện vật như vậy.
3. Đồ sành cứng (Stoneware):
Đồ sành cứng có thể cũng có những vấn đề như đã nêu ra ở trên, như bị ố bẩn, và những chỗ bị hư hại cũng có thể gây ra những vấn đề riêng của chúng.
4. Đồ sứ (Porcelain):
Đồ sứ mạnh hơn đồ gốm rất nhiều, nhưng tính chất giống như thủy tinh của chúng có nghĩa là dễ vỡ và nhạy cảm với những thay đổi đột ngột của nhiệt độ. Một cú va đập nhẹ cũng có thể gây ra nứt vỡ và thậm chí làm vỡ nát một hiện vật, hậu quả là những mảnh vỡ “tung tóe”, khó mà gắn lại được như cũ trong khi phục chế. Khi người ta áp dụng vẽ màu trên men, ở nhiệt độ thấp hơn, chúng có thể bị bay màu trong khi cọ rửa và mài mòn. Những chi tiết trang trí bằng vàng thường rất tinh xảo và dễ bị tróc ra. Đồ sứ xốp có thể bị ngấm nước từ từ, dễ vỡ và những chỗ trước đây được gắn bằng keo có thể để lại những vết ố bẩn trên mọi loại đồ sứ. Đồ sứ mới nung lần thứ nhất (chưa tráng men) đã bị bụi, chất bẩn và dầu mỡ lọt vào, cần cẩn thận khi cầm hiện vật. Có thể người ta tìm thấy đồ sứ ở một vị trí khảo cổ học và làm dơ bẩn trầm trọng, kết hợp với những vật bằng sắt rỉ hay những ỗng dẫn được đặt ở khu vực lân cận sẽ dẫn đến sự mất màu nghiêm trọng hơn đối với hiện vật.
II. SỰ ỔN ĐỊNH CHUNG CỦA ĐỒ GỐM SỨ:
Những hiện vật gốm vốn có tiếng về sự ổn định, nhưng, như chúng ta thấy, những hiện vật trong sưu tập có thể có những vấn đề dẫn đến sự hư hại trừ phi chúng được giải quyết. Trưng bày hay bảo quản trong môi trường thích hợp có thể làm ngưng hay làm giảm tốc độ hư hại cho đến khi hiện vật có thể được bảo quản đúng phương pháp. Những vấn đề đặc trưng này được đề cập đến trong đoạn “Phòng ngừa và những biện pháp tạm thời”. Những điều kiện trưng bày lý tưởng dành cho các hiện vật gốm được bảo quản nên ở 50-65% độ ẩm tương ứng và một nhiệt độ khoảng 18-200oC, trong khi đó điều kiện bảo quản trong kho nên là 55-60% độ ẩm và nhiệt độ từ 18-200oC. Những khu vực này phải được làm sạch bụi và tránh sự hội tụ ánh sáng hay tránh ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp. Những ảnh hưởng độc hại của bụi phải luôn ở mức kiểm soát, đó là sự ăn mòn, và trong một môi trường kề cận nó cũng có thể mang lại sự ô nhiễm. Khu vực kho tàng và trưng bày phải luôn luôn sạch sẽ, nếu không thể để trong khu vực kho tàng, hiện vật nên được phủ lên một lớp giấy thấm.
III. CẦM HIỆN VẬT:
Phải luôn luôn giám định trước khi cầm vào hiện vật, và lưu ý đến những chỗ nứt, vỡ và hư hỏng ở nơi được hàn gắn từ trước. Không bao giờ được nhấc hiện vật ở chỗ tay cầm, chân đế hay vành mép, mà phải dùng hai tay đặt quanh hiện vật. Tốt hơn hết, chúng ta nên mang găng tay, vì đôi tay trần có thể dính dầu mỡ, hơi ẩm và muối. Những đôi găng dùng trong phẫu thuật y học có thể dùng một lần rồi bỏ đi sẽ thích hợp cho công việc này, và nên chọn những găng vải với lòng bàn tay không trơn khi làm việc với những hiện vật có tráng men, trơn trượt. Trong quá trình giám định, hiện vật có thể được đỡ bằng một vòng lie hay một miếng đệm lót, hoặc người ta nên dùng một chiếc thùng có lót đệm để di chuyển. Trước khi di chuyển hiện vật, nên để riêng nắp và các bộ phận rời khác để tránh rơi vỡ. Trong khi khai quật, người ta ít tìm ra những bộ phận rời của những bức tượng đất nung và các hiện vật thuộc nhóm này. Đầu và đôi tay của một bức tượng có thể đã bị rời ra hay những bức tượng khác trong một nhóm tượng đã bị rời ra mỗi bức mỗi nơi. Bọc lót hay gói hiện vật bằng loại giấy thấm không có acid là lý tưởng nhất. Không nên dùng loại len sợi, đồ độn bằng cellulo hay loại xốp polyme vì khi chúng chạm vào những phần nhô lên của hiện vật có thể gây ra xước hoặc hư hỏng bề mặt của hiện vật. Không dùng báo khi mới in xong để tránh bị dính mực lên hiện vật, loại giấy bóng bằng nhựa để gói thức ăn có thể gây bám bụi hoặc gây ra hiện tượng tĩnh điện và để lại những lớp đất bụi làm hư bề mặt hiện vật
IV. TRƯNG BÀY:
Việc này liên quan đến mọi vấn đề nhưng nên lưu ý rằng không nên sử dụng loại ma-tít keo tái chế hay khuôn đất sét để giữ hiện vật trên giá vì những loại này có thể làm ố bẩn, biến màu hay làm hư hại đồ gốm. Những vật liệu bằng kim loại dùng làm giá đỡ những đĩa gốm hay những con ngựa chiến có thể gây cọ xát làm mòn những bề mặt mỏng manh dễ vỡ của hiện vật và bản thân kim loại cũng có thể bị ăn mòn. Những bộ phận cố định của một hiện vật có thể được đỡ riêng biệt sau khi tiến hành bảo quản. Không loại trừ trường hợp trọng lượng cũng có thể gây ra áp lực với chỗ vỡ đã được gắn lại hay những chỗ hổng đã được lấp kín.
V. KHẢO SÁT:
Khi tiến hành một cuộc khảo sát chung về một sưu tập đồ gốm, những vấn đề về bảo tồn có thể được xác định khi hiện vật được kiểm tra, phân loại nhanh chóng và ngược lại. Ví dụ, một cuộc khảo sát những chiếc bình được sản xuất những năm gần đây được mua ở Papua New Guinea cho một sưu tập dân tộc học sẽ xác định được những vấn đề có liên quan đến mục đích bảo tồn, chỉ ra những nguy cơ hư hỏng và thay đổi có thể nhận thấy bằng mắt thường, như những vết nứt hay vỡ do kỹ thuật và cách pha chế thành phần kém, hoặc có thể có những chỗ hư hại về màu sắc do không được nung. Cũng cần phải lưu ý đến mọi hiện tượng tích lũy hay giải phóng trên bề mặt hiện vật mà không phải xảy ra trong bất kỳ cuộc di chuyển hiện vật nào khi bảo quản. Bất kỳ một công việc phục chế nào cũng nên để người làm ra sản phẩm hoặc người sử dụng sản phẩm thực hiện, và một lần nữa, không nên di chuyển hiện vật trong quá trình bảo quản.(Còn tiếp...)
Anh Vân dịch từ nguyên bản tiếng AnhTác giả: Christine Daintith
Theo covattinhoa.vn
Lão Cổ Vật sưu tầm.

Để lại Đánh giá

Email của bạn sẽ được giữ kín, các trường cần điền sẽ đánh dấu *

Đánh giá*

Họ tên *

Email *

Tin liên quan

Chọn bài viết hiển thị
Xác Định Giá Trị Của Đồ Cổ

laocovat

Thứ Hai, 12 Tháng Mười Hai 2022

Xác Định Giá Trị Của Đồ Cổ
Đồ độc bản là gì?

laocovat

Thứ Hai, 12 Tháng Mười Hai 2022

Đồ độc bản là gì?
Tranh chữ PHÚC cỡ lớn
Chỉnh sửa ảnh liên kết

Địa Chỉ Cửa Hàng Chúng Tôi

Hotline: 098.13.02468

Email: contact@laocovat.com

Địa chỉ: 146 Nghi Tàm - Tây Hồ - Hà Nội