NÉT ĐẸP CỦA ĐỒ GỐM SỨ TRONG HOÀNG CUNG THĂNG LONG - THE BEAUTY OF CERAMICS FROM THANG LONG IMPERIAL PALACES
laocovat
Thứ Tư, 02 Tháng Mười 2024
Cùng những phát hiện quan trọng về các dấu tích kiến trúc tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long – 18 Hoàng Diệu, một số lượng vô cùng lớn đồ gốm sứ là những vật dụng dùng trong Hoàng cung Thăng Long qua nhiều thời kỳ cũng được tìm thấy. Những sưu tập đồ gốm sứ này vô cùng phong phú, đa dạng, bao gồm đồ gốm Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Tây Á. Trong đó, sưu tập đồ gốm sứ Việt Nam thời Lý (thế kỷ 11-12), Trần (thế kỷ 13 - 14), Lê (thế kỷ 15 -18) thực sự đem lại sự xúc động lớn cho giới khoa học và những người yêu cổ vật.
Gốm thời Lý:
Phát hiện đầu tiên, quan trọng là những đồ gốm sứ men trắng và men ngọc thời Lý. Vẻ đẹp quyến rũ của loại gốm này không chỉ ở hình dáng, màu men mà còn ở sự tinh mỹ đến ngạc nhiên của các đồ án trang trí. Trước thời điểm của cuộc khai quật này, nhiều học giả trong và ngoài nước không tin rằng thời Lý đã có thể sản xuất được những loại gốm men trắng và men ngọc đẹp và tinh xảo như đồ sứ thời Tống (Trung Quốc).
Nhưng những chứng cứ mới đầy sức thuyết phục tại di tích Hoàng thành Thăng Long đã xua tan đi những hoài nghi ấy. Hàng loạt loại hình đồ gốm sứ trắng và men ngọc cao cấp của thời Lý thực sự hiển lộ ngay trước mắt chúng ta với vẻ đẹp sang quý, khiến không ít nhà nghiên cứu ngỡ ngàng và cảm phục về tài nghệ của người xưa trong công nghệ chế tác gốm.
Gốm men trắng Lý có độ trắng mịn và óng mượt như gốm Tống, và phần lớn về chất lượng đã đạt tới trình độ sứ như gốm Tống. Nhiều tiêu bản cho thấy thời Lý cũng sản xuất loại gốm men “ảnh thanh” (trắng xanh ánh trăng - qingbai) và có hoa văn như gốm Nam Tống lò Cảnh Đức Trấn. Sự khác nhau giữa gốm trắng Tống và gốm trắng Lý chủ yếu được nhìn nhận qua sắc độ đậm nhạt của màu men hay xương gốm và kỹ thuật tạo dáng. Đây cũng là đặc điểm khó phân biệt giữa gốm trắng Lý với gốm trắng Tống. Nhưng nếu có được cái nhìn hệ thống từ những đồ gốm trắng Lý đích thực, thuần Việt qua đồ án trang trí hình rồng và hoa lá mà phong cách của nó giống hệt như những hình chạm khắc trên đá trong kiến trúc chùa, tháp thời Lý (tháp Chương Sơn, chùa Phật Tích), chắc chắn ta sẽ cảm nhận được đầy đủ và rõ ràng hơn về gốm men trắng Lý. Mảnh bệ tháp sứ trắng trang trí hình rồng (Hổ B18) và mảnh bệ tháp sứ trang trí hình tiên nữ (Apsara) (Hổ B16) là những ví dụ điển hình, minh chứng sinh động về điều đó và cho thấy trình độ phát triển rất cao của công nghệ sản xuất gốm thời Lý. Bằng chứng thuyết phục khác là trong số đồ sứ trắng Lý tìm được trong Hoàng thành có những loại bát, đĩa, nạp hộp, đài sen... bị méo hoặc cháy do quá lửa, cho thấy nó được sản xuất tại chỗ. Suy đoán này được khẳng định rõ khi tại các hố ở Khu D đã phát hiện được hàng nghìn mảnh bao nung gốm cùng nhiều loại con kê, dụng cụ thử men, đặc biệt là những đồ gốm lớn bị sống men, như chiếc đĩa có đường kính miệng 38 cm ở hố D5, cho thấy khả năng có những lò sản xuất gốm thời Lý ở đâu đó quanh khu vực này.
Bằng chứng quan trọng về gốm men ngọc Lý là nhóm bát, đĩa trang trí văn in hoa cúc dây như kiểu gốm Tống và nhóm bát, đĩa khắc chìm hoa sen mang phong cách Việt đặc trưng. Đây là loại gốm có chất lượng cao, men phổ biến có màu xanh ngọc sắc dạm, xương gốm trắng, mịn và có nhiều điểm khác biệt so với gốm thời Trần về kỹ thuật tạo chân đế. Bằng chứng sản xuất tại chỗ của loại gốm này cũng được khẳng định rõ qua những đồ gốm phế thải, đặc biệt là qua những mảnh khuôn in hoa cúc dây phát hiện được ở hố D6. Hoa văn trên khuôn in này có phong cách như hoa văn trên đĩa men ngọc tìm thấy trong lòng giếng thời Lý ở hố A10 và cả hai đều phản ánh sự ảnh hưởng khá đậm phong cách trang trí hoa cúc dây của gốm Tống. Theo nhiều tư liệu, hoa cúc dây kiểu này là loại hoa văn kinh điển của gốm Tống Trung Quốc, có niên đại từ 1090 đến 1096. Dựa vào bằng chứng tin cậy này, ta có thể nhận diện chân xác về gốm men ngọc Lý.
Gốm thời Lý trong Hoàng cung thường thanh thoát, trang nhã trong hình khối nhưng lại rất cầu kỳ, tính mỹ trong từng đường nét hoa văn trang trí. Đồ án trang trí phổ biến là hoa sen, hoa cúc hay hình rồng, tiên nữ và văn như ý... Các đề tài này mang đậm yếu tố Phật giáo và một số bộc lộ ảnh hưởng khá nhuần nhuyễn đến mức tinh tế nghệ thuật gốm thời Tống, làm cho sự phân biệt nhiều khi rất khó khăn. Nhưng bên cạnh đó, nhiều kiểu dáng và mẫu hình hoa văn trang trí, đặc biệt là cách trang trí diềm văn cánh sen đắp nổi hay diềm văn vòng tròn nhỏ mà ta gặp phổ biến trên rất nhiều đồ gốm Lý, lại cho thấy tính truyền thống rất riêng biệt của gốm Việt Nam. Tính truyền thống riêng biệt ấy được kết tinh và thể hiện rõ qua đồ gốm hoa nâu, vốn từng được coi là sản phẩm độc đáo và đặc sắc nhất của gốm Việt Nam. Có ý kiến cho rằng những sản phẩm gốm này được sản xuất nhằm phục vụ cho tầng lớp trên của xã hội đương thời, do vậy, nó thường có kiểu dáng đẹp, hoa văn trang trí cầu kỳ và mang tính nghệ thuật cao. Gốm hoa nâu trong Hoàng thành tìm thấy khá nhiều. Ngoài các loại vò, chậu, thạp trang trí hoa sen, dây lá, đặc biệt ở đây đã tìm được nhiều loại thạp đặc sắc, có kích thước to lớn, quanh thân trang trí hình rồng tinh tế và đẹp như nắp hộp men xanh lục nói trên. Bên cạnh đó còn có nhiều loại nắp hộp hay bát, đĩa trang trí rồng, hoa sen dây theo lối “nền tô men nâu, hoa văn men trắng” với đường nét chạm khắc uốn lượn mềm mại, tinh xảo, bộc lộ vẻ đẹp sang trọng, quý phái. Đây có thể là những đồ ngự dụng trong Hoàng cung. Khái niệm đồ ngự dụng ở đây được hiểu là những đồ dùng dành riêng cho Vua.
Phát hiện giá trị này sẽ rất hữu ích cho việc nghiên cứu về gốm thời Lý, đặc biệt là những đồ gốm thời Lý dùng trong Hoàng cung do chính Thăng Long sản xuất. Điều này rất quan trọng, bởi từ trước đến nay vấn đề gốm thời Lý và nguồn gốc lò sản xuất vẫn là những câu hỏi lớn đối với các nhà khoa học trong và ngoài nước. Cũng từ phát hiện mới này, hiện nay chúng ta đã có thể biết rằng ngoài đồ gốm hoa nâu, thời Lý còn sản xuất nhiều loại gốm cao cấp khác như gốm men trắng, gốm men xanh lục, gốm men xanh ngọc, đặc biệt là loại gốm men vàng. Gốm men vàng là phát hiện rất mới mẻ và dường như loại gốm này mới chỉ được tìm thấy trong khu vực Hoàng thành Thăng Long. Nhiều nhà khoa học nghĩ rằng gốm men vàng chỉ có ở thời Lê, sau là thời Nguyễn. Loại men đó thường thấy trên các vật liệu kiến trúc như ngói hoàng lưu ly (ngói men màu vàng) lợp trên mái các cung điện dành cho nhà Vua như điện Thái Hòa (Huế). Nhưng cuộc khai quật này đã tìm thấy loại gốm men vàng là đồ gia dụng được tạo dáng rất đẹp, hoa văn trang trí cực kỳ tinh xảo và nhiều khả năng đây cũng là đồ ngự dụng.
Gốm thời Trần:
Bên cạnh đồ gốm sứ thời Lý, một số lượng phong phú đồ gốm sứ thời Trần cũng được tìm thấy, bao gồm gốm men trắng, men ngọc, men xanh lục, men nâu, hoa nâu và hoa lam.
Do phát triển kế thừa trực tiếp từ gốm thời Lý, các loại gốm thời Trần cơ bản có phong cách giống với gốm thời Lý cả về hình dáng, màu men và hoa văn trang trí. Ngoài các loại gốm độc sắc (men trắng, men ngọc, men nâu), tại khu vực khai quật đã tìm được khá nhiều đồ gốm hoa nâu có chất lượng cao. Đáng chú ý nhất là chiếc thạp lớn có nắp trang trí hoa sen và chiếc chậu trang trí hình bốn con chim đang đi kiếm ăn trong bốn tư thế khác nhau, xen giữa là cành lá sen và hoa sen nhỏ được chạm khắc với đường nét rất sống động.
Nét mới riêng biệt và rất đáng lưu ý về gốm thời Trần là sự xuất hiện của dòng gốm hoa lam. Loại gốm này được tìm thấy khá nhiều trong các hố khai quật, phổ biến là bát, đĩa vẽ cành hoa cúc bằng màu nâu sắt hoặc màu xanh cobalt dưới men, giống như những đồ gốm đã được xuất khẩu sang Đông Nam Á, Trung Đông và Nhật Bản vào khoảng giữa thế kỷ 14. Đáng lưu ý là tại các hố ở Khu D đã tìm thấy chồng đĩa lớn vẽ cành hoa cúc cùng nhiều chồng đĩa dính của loại gốm men độc sắc trang trí văn mây hình khánh, chim phượng và hoa lá. Tư liệu này góp phần khẳng định thêm rằng, ngoài những dấu hiệu về lò gốm thời Lý, khả năng ở đây còn có những lò gốm thời Trần.
Gốm thời Lê:
Đồ gốm sứ thời Lê tìm thấy tại các hố khai quật có số lượng phong phú, tập trung nhiều nhất ở khu vực ven sông cổ nằm giữa Khu A và B.
Một trong những phát hiện quan trọng, đem lại sự cảm phục nhất của giới chuyên môn và những người yêu thích cổ vật, là sự hoàn hảo và tinh mỹ khác thường của loại gốm tráng mỏng, trang trí in hình rồng có chân 5 móng, với chữ "Quan" in giữa lòng và đồ gốm hoa lam cao cấp vẽ hình rồng, phương với đường nét rất tinh xảo. Chất lượng hoàn hảo của những đồ sứ này đã đạt tới trình độ cao không thua kém đồ sứ ngự dụng của các vua đời Minh (Trung Quốc). Phát hiện quan trọng này là những hình ảnh đầu tiên cho chúng ta biết chân xác về những loại gốm ngự dụng đặc sắc của Việt Nam dùng trong Hoàng cung Thăng Long thời Lê sơ, thế kỷ 15. Những đồ sứ này hiện nay chỉ mới tìm thấy ở hai di tích lớn và quan trọng của nhà Lê là Lam Kinh (Thanh Hóa) và Hoàng thành Thăng Long, cho thấy đây là những đồ vật quý chỉ được dùng trong Hoàng cung và những nơi liên quan đến sinh hoạt của Vua và Hoàng gia.
Đồ sứ trắng mỏng của lò Quan Thăng Long chủ yếu là các loại bát, đĩa cỡ nhỏ, có xương gốm mỏng như vỏ trứng, mà khi cầm soi lên ánh sáng có thể nhìn thấy hoa văn trang trí bên trong. Thuật ngữ chuyên môn gọi đây là loại sứ thấu quang. Trong lòng loại gốm này thường được trang trí văn ám họa theo cách in nổi hình hai con rồng chân 5 móng và giữa lòng in chữ "Quan". Chữ "Quan" ở đây được hiểu theo hai nghĩa: quan diêu (sản phẩm của lò Quan) và quan dụng (đồ dùng dành cho vua quan). Do được chế tác với loại xương gốm rất mỏng, nên trọng lượng của đồ vật rất nhẹ, và khi cầm trên tay buộc ta phải có ý thức cẩn thận. Những yếu tố này cho thấy đây là những đồ vật rất hiếm quý.
Như vậy, cùng với chữ "Quan", sự tinh mỹ đến mức ngạc nhiên của loại sứ trắng mỏng và gốm hoa lam cao cấp trang trí các đồ án biểu trưng của vương quyền - hình rồng có chân 5 móng - ta có thể tin chắc rằng đây chính là những đồ ngự dụng dành riêng cho các vua nhà Lê sơ.
Ngoài đồ sứ trang trí rồng, nhiều đồ gốm sứ vẽ hình chim phượng, có lẽ là đồ dùng của các bà hoàng, cũng được tìm thấy. Nhận định này được củng cố khi ở tầng trên của lớp kiến trúc thời Trần đã tìm thấy khá nhiều đồ gốm có ghi chữ Hán “Trường Lạc”, “Trường Lạc khố” và “Trường Lạc cung”. Theo sử cũ, Trường Lạc là một cung lớn của bà Thái hoàng Thái hậu Nguyễn Thị Hằng, vợ Vua Lê Thánh Tông (1460 - 1497). Như vậy, những đồ gốm sứ này được hiểu là vật dụng của cung Trường Lạc. Đáng lưu ý là trong số đó có nhiều tiêu bản bị sống men (gốm chưa được nung chín), nhưng dưới đáy đã được viết ba chữ “Trường Lạc khố” bằng màu son nâu, nghĩa là những chữ này được viết trước khi nung. Đây là manh mối cho biết rằng, ở Thăng Long có lò chuyên sản xuất gốm cho cung Trường Lạc hoặc do cung Trường Lạc đặt làm, và dòng chữ đó được ghi dấu như là tài sản riêng của cung Trường Lạc.
Bên cạnh số lượng lớn và đa dạng các loại đồ gốm nói trên, tại khu vực khai quật còn tìm được một sưu tập bình vôi còn khá nguyên vẹn, trong đó có những bình đã được dùng để đựng vôi ăn trầu. Những dụng cụ trong ăn trầu như những con dao nhỏ dùng để bổ cau, trầu (gọi là dao cau) cũng được tìm thấy. Mặc dù chủ yếu tìm thấy phần chuôi, nhưng những chuôi dao cau này được làm bằng nanh vuốt thú hay bằng loại gỗ quý, xung quanh bọc kim loại màu vàng, và bên trên được chạm khắc hoa văn rất đẹp. Bằng chứng này cho ta biết rằng trong Hoàng cung xưa, tục ăn trầu cũng rất phổ biến.
Rõ ràng, những khám phá của khảo cổ học về Hoàng thành Thăng Long tại 18 - Hoàng Diệu nói trên đã mở ra một chương mới cho việc nghiên cứu đồ gốm dùng trong Hoàng cung Thăng Long. Đây là nguồn tư liệu quý giá, góp phần minh chứng sinh động và đầy sức thuyết phục trên nhiều phương diện về đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của Hoàng cung qua các thời kỳ lịch sử. Phát hiện quan trọng này cũng đã góp phần làm sáng rõ về vị trí của khu vực khai quật, cũng như quần thể di tích kiến trúc đã phát lộ. Đây chính là khu vực Cấm thành, và những đồ gốm tìm được ở đây phần lớn là vật dụng của Hoàng cung Thăng Long xưa.
At the Hoàng thành Thăng Long – 18 Hoàng Diệu archaeological site, archaeologists have discovered a vast collection of ceramics from various historical periods, particularly notable are the collections of Vietnamese, Chinese, Japanese, and West Asian ceramics. These discoveries provide invaluable insights into the life and culture of the Thăng Long royal court.
Ly ceramics
Among the findings, the white and celadon glazed ceramics from the Lý period (11th-12th centuries) stand out. The beauty of these ceramics lies not only in their shapes and colors but also in the astonishing refinement of their decorative patterns. Prior to this excavation, many scholars doubted that the Lý period could produce such exquisite white and celadon ceramics comparable to those of the Song Dynasty (China). However, the evidence uncovered at the Hoàng thành has dispelled these doubts, revealing high-quality white and celadon ceramics with an elegant appearance that astonishes researchers with the craftsmanship of the ancients.
The white ceramics of the Lý period exhibit a smooth, lustrous finish akin to Song ceramics, with many examples showing that the Lý period also produced celadon ceramics featuring moonlit white hues and intricate designs resembling those from the Southern Song period. The differences between Lý white ceramics and Song white ceramics mainly relate to the shades of glaze and clay body, which can be difficult to distinguish. However, an analysis of the distinct decorative patterns depicting dragons and floral motifs, reminiscent of stone carvings in Lý period architecture, allows for a clearer understanding of Lý white ceramics. Specific examples, such as fragments of white ceramic bases decorated with dragons and celestial maidens, highlight the advanced production techniques of the Lý era. Furthermore, the discovery of numerous defective or improperly fired ceramics suggests that production likely occurred on-site.
Important evidence for celadon ceramics from the Lý period includes a collection of bowls and dishes adorned with chrysanthemum vine patterns, similar to those of the Song Dynasty, as well as others featuring lotus motifs unique to Vietnamese styles. These ceramics are characterized by a high quality, a distinctive jade green glaze, and white, smooth clay, with notable differences from the ceramics of the Trần period. Evidence of on-site production is supported by ceramic waste found in the excavated areas, particularly fragments of chrysanthemum vine molds discovered in one section.
The decorative patterns of Lý ceramics often feature elegant and intricate motifs such as lotus flowers, chrysanthemums, dragons, and celestial maidens, reflecting Buddhist influences and the refined aesthetics of Song ceramics. Moreover, traditional Vietnamese styles are evident in various decorative elements, especially in the well-known brown glazed ceramics, which were considered unique products of Vietnamese pottery. It is believed that these ceramics were made for the upper classes, given their beautiful forms and elaborate decorations. A significant number of brown glazed ceramics were found in the royal palace, including large jars and bowls adorned with lotus flowers and intricate designs of dragons, showcasing their noble and luxurious appearance, possibly indicating their use as royal items.
These valuable discoveries will significantly contribute to the study of Lý period ceramics, especially those produced in Thăng Long for the royal court. This is crucial, as the origins of Lý ceramics and the sources of their production have long been significant questions for scholars. The new findings reveal that, besides brown glazed ceramics, the Lý period also produced various high-quality ceramics, including white, green, jade green, and even newly discovered yellow glazed ceramics. Yellow glazed ceramics, previously thought to be exclusive to the Lê and Nguyễn periods, were found in the royal palace, indicating their use as household items featuring exquisite designs and intricate decorations, likely intended for royal use.
Tran ceramics:
In addition to Lý ceramics, a rich variety of ceramics from the Trần period (13th-14th centuries) has also been discovered, including white, celadon, green, brown, and blue-and-white ceramics. The ceramics from this period developed directly from those of the Lý period, maintaining similar styles in shape, glaze, and decorative patterns. Noteworthy discoveries include high-quality brown glazed ceramics, particularly large jars with lotus decorations and bowls depicting four different birds in various foraging poses intertwined with lotus branches.
A notable feature of Trần ceramics is the emergence of blue-and-white ceramics, found abundantly in the excavations. These include bowls and dishes painted with chrysanthemum branches in iron brown or cobalt blue under glaze, resembling those that were exported to Southeast Asia, the Middle East, and Japan around the mid-14th century. Significant findings include large stacks of chrysanthemum-painted dishes and additional unique blue-and-white ceramics, reinforcing the notion that there were production facilities from both the Lý and Trần periods in this area.
Le ceramics:
Ceramics from the Lê period (15th-18th centuries) were found in abundance at the excavation site, particularly concentrated in the area along the ancient river between Zones A and B. One of the most important discoveries, which has captivated experts and collectors, is the exceptional refinement of thinly glazed ceramics adorned with dragon motifs, featuring five-clawed dragons with the character "Quan" in the center. The superior quality of these ceramics rivals that of imperial ceramics from the Ming Dynasty (China), providing the first concrete evidence of distinctive royal ceramics used in the Thăng Long royal court during the early Lê period in the 15th century. Such ceramics have only been found in significant sites associated with the Lê Dynasty, namely Lam Kinh (Thanh Hóa) and Hoàng thành Thăng Long, indicating that these were prestigious items reserved for the royal court and associated activities.
The thin white ceramics from the Quan Thăng Long kiln primarily consist of small bowls and plates with a clay body as thin as an eggshell, allowing light to illuminate the intricate decorative patterns within. This type of ceramic is known as "translucent porcelain." Typically, these ceramics feature embossed patterns of two five-clawed dragons, with the character "Quan" positioned in the center. The character "Quan" carries dual meanings: "quan diêu" (products from the Quan kiln) and "quan dụng" (items for officials). The extremely thin clay body indicates that these items are very lightweight, requiring careful handling, emphasizing their rarity and value.
Thus, combined with the character "Quan," the astonishing refinement of the thin white ceramics and high-quality blue-and-white ceramics, adorned with royal symbols—the five-clawed dragon—confirms that these were indeed exclusive items for the kings of the early Lê dynasty.
In addition to dragon-decorated ceramics, numerous pieces featuring phoenix motifs, likely used by queens, have also been found. This assertion is further supported by the discovery of several ceramics inscribed with Chinese characters like “Trường Lạc,” “Trường Lạc khố,” and “Trường Lạc cung” in the upper layers of the Trần architectural strata. Historical records indicate that Trường Lạc was a significant palace of Empress Dowager Nguyễn Thị Hằng, wife of King Lê Thánh Tông (1460-1497). Therefore, these ceramics are interpreted as belongings of the Trường Lạc palace. Notably, many of these artifacts were found in an unglazed state, yet bore the inscription “Trường Lạc khố” in brown pigment on the base, indicating that this was marked before firing. This provides clues that a kiln specifically producing ceramics for Trường Lạc existed in Thăng Long or that the palace had commissioned their creation, marking them as the property of Trường Lạc.
In addition to the large quantity and variety of ceramics mentioned, a well-preserved collection of betel containers was also found, some of which were used to hold lime for betel chewing. Tools for preparing betel, such as small knives for slicing betel nuts, were also discovered. Although primarily the handles were found, these betel knives were made from animal tusks or precious woods, encased in gilded metal, and beautifully carved. This evidence indicates that betel chewing was a common practice in the royal court.
Clearly, these archaeological discoveries at Hoàng thành Thăng Long at 18 Hoàng Diệu have opened a new chapter in the study of ceramics used in the Thăng Long royal court. This invaluable resource enriches the understanding of the economic, cultural, and social life of the royal court across different historical periods. These significant findings also illuminate the context of the excavation area and the architectural relics uncovered. This area constitutes the Forbidden City, with the ceramics found largely representing the household items of the ancient Thăng Long royal court.
-------------------------------------------------------------------
𝐋𝐀𝐎 𝐂𝐎 𝐕𝐀𝐓
Cổng thông tin cổ vật - Thẩm định cổ vật
🔹 Fanpage: Lão Cổ Vật
🔹 TikTok: www.tiktok.com/@laocovat
🔹 YouTube: www.youtube.com/@laocovat
🔹 Email: contact@laocovat.com
🔹 Contact : 0981302468
#LaoCoVat #antique #since1955 #ThẩmĐịnhCổVật
Tin liên quan
laocovat
Thứ Tư, 02 Tháng Mười 2024
Địa Chỉ Cửa Hàng Chúng Tôi
Hotline: 098.13.02468
Email: contact@laocovat.com
Địa chỉ: 146 Nghi Tàm - Tây Hồ - Hà Nội