Tư vấn thẩm định cổ vật

Trang chủ / Tin Tức / BÌNH PHONG CƠ MẬT VIỆN

BÌNH PHONG CƠ MẬT VIỆNLike 0 142

BÌNH PHONG CƠ MẬT VIỆN

Những chiếc bình phong (屏風) làm nên đặc trưng cho xứ Huế mộng mơ. Không nơi nào lại có nhiều bình phong như Huế, và không nơi nào đạt tới trình độ trau chuốt, cầu kỳ tuyệt mỹ như đất Huế. Bình phong được đặt trước kiến trúc chính phủ đệ, chùa miếu, mộ chí, và tùy theo địa vị, gia thế mà bình phong đi từ đơn giản tới cầu kỳ. Bức tường hoa dựng lên để tránh tà ác xông vào trung tâm, và cũng để cầu mong điềm lành, an toàn và trường thọ.
Trong hình ảnh có thể có: ngoài trời
Cấu trúc bình phong đơn giản thì chỉ gồm một bức tường phẳng, dạng thức cầu kỳ hơn là một cuốn thư cuộn ba lần, theo đó họa tiết được phân bổ trên ba mặt phẳng, bốn trụ cuốn và quanh diềm các mặt phẳng. Cấu trúc thường có ba phần: phần đế, thân và diềm. Diềm có thể là lưỡng long triều nhật, phụng hoặc họa tiết hoa lá. Diềm được đắp nổi lên trên cấu trúc tường chính và thường đắp lộng (xuyên thủng những chi tiết không cần thiết và không có nền) nên đòi hỏi kỹ thuật công phu và cũng thường là phần dễ gãy đổ nhất.
Ngoài những ứng dụng về mặt phong thủy, bình phong còn hàm chứa giá trị nghệ thuật đỉnh cao, là nơi nghệ nhân thể hiện cái tài tạo tác và gửi gắm tâm ý qua việc lựa chọn những đồ án trang trí biểu tượng. Để minh họa, Tản mạn chọn ra tấm bình phong ở Cơ mật viện 樞密院 và phân tích để chỉ ra độ giàu có họa tiết và biểu tượng chỉ trên một mảnh tường đơn nhất.Có thể xem đó là một tác phẩm độc đáo của kiến trúc thời Nguyễn - bức bình phong ở Cơ Mật Viện triều Nguyễn tại cố đô Huế. Điều đáng nói ở đây là tác phẩm ấy đã từng bị phá hủy hoàn toàn rồi lại được phục hồi nguyên vẹn… Tuy không phải là một cổ vật, nhưng bức bình phong này đã thu hút sự chú ý của rất nhiều nhà nghiên cứu và những người yêu mến Huế xưa.heo sử liệu triều Nguyễn, bức bình phong tiền (bình phong đặt ở cổng chính) được xây dựng trong khoảng từ năm 1899- 1903, cùng với việc xây cất tòa Cơ Mật Viện mới của triều Nguyễn, sau khi triều đại này bị thực dân Pháp “bảo hộ”. Vị trí của Cơ Mật Viện nằm ở phía đông Hoàng thành, trên nền cũ của chùa Giác Hoàng, một trong các quốc tự của thời Nguyễn tại kinh đô, nhưng trước đó đây từng là nơi tọa lạc của trung tâm Đô thành Phú Xuân thời chúa Nguyễn, kinh đô Phú Xuân thời Tây Sơn và sau cùng là tiềm để (phủ riêng) của hoàng thái tử Nguyễn Phước Đảm (tức vua Minh Mạng sau này). Chốn linh địa ấy chắc chắn là nơi tràn trề vượng khí, nhưng cũng thường là nơi tiềm ẩn nhiều mối hiểm nguy rình rập. Có lẽ vì thế mà khi xây dựng tòa công sở mới cho cơ quan quyền lực cao nhất của triều đại lúc bấy giờ, người ta vẫn không quên dựng một bức bình phong bề thế để giữ yên cho cuộc đất.
Từ sau đây, mời quý vị xem nội dung chi tiết trong từng hình cụ thể. Một số chi tiết không thể hiện rõ trong ảnh đã được giảm lược.
Không có mô tả ảnh.
1) Nổi bật lên tất cả là đồ án tứ linh, nhưng Lân đã thay thành Long Mã nên ta có Long, Long Mã, Quy và Phụng. Mỗi loài một cặp bố trí đăng đối qua trục bình phong.
Long (龍): Đôi rồng ở thế chầu nhật, chân vờn mây, đuôi quấn vào trụ, mặt trời cách điệu hình ngọn lửa nâng lên bởi đóa hoa. Rồng tượng trưng cho tính dương, quyền lực và là biểu tượng hàng đầu cho các bậc đế vương. Những đồ vật ngự dụng có hình rồng năm móng, còn lại chỉ có bốn móng. Trong truyền thuyết cá chép hóa long, rồng còn là ẩn dụ cho sự hồi sinh và sức sống mãnh liệt. Rồng có nhiều motif đa dạng, thường gặp ở dạng lưỡng long triều nhật (兩龍朝日), lưỡng long tranh châu (兩龍爭珠), hồi long hướng nhật (回龍向日), long ngư hí thủy (龍魚戲水 – rồng và cá chép vờn nước), long ẩn vân (龍隱雲 – rồng nấp trong mây).
Hai bên diềm là đôi phụng (phượng 鳳) ngậm xâu tiền, đậu trên nhành hoa. Phụng là loài chim cao quý, tượng trưng cho vũ trụ, mỗi lần tung cánh bay xa được muôn trượng. Phụng mang tính âm, ý cát tường, đoan trang, trí tuệ nên được chọn làm biểu tượng cho bậc mẫu nghi thiên hạ. Thời ly tán thì phụng ẩn mình, an lạc thì xuất hiện, chỉ đậu duy nhất trên cây ngô đồng, nên thấy chim phụng là thấy thái bình. Miệng phụng thường ngậm cổ đồ của vua Phục Hy như cuộn thư, hộp gỗ hay thẻ bài, nên có motif “phụng hàm thư” (鳳含書). Phụng thường đi với rồng để chỉ cặp đôi tân hôn, lượn quanh chữ hỉ thành đồ án long phụng hòa duyên (龍鳳和緣). Còn chim phụng cuộn tròn trong mây gọi là phụng ổ (đoàn phụng – 團鳳), thường thấy trên kiến trúc và trang phục hoàng gia.
Lân đã được thay thế thành đôi Long Mã phụ hà đồ (龍馬負河圖). Truyền thuyết kể lại rằng vào đời Phục Hy có con Long Mã nổi lên giữa dòng Hoàng hà, bọt nước tung trắng, dân xem đoán có điềm phi thường nên báo cho Phục Hy biết. Vua thấy trên lưng Long Mã có bức đồ thư gồm 55 đốm, nghiên cứu mà ra quy luật tự nhiên, hiểu ra Âm Dương, Bát Quái và tìm được cách trị thủy sông Hoàng hà, đem lại thái bình cho thiên hạ. Long Mã là hiện thân của trật tự và quy luật ổn định của một vũ trụ vô biên.
Nhỏ hơn hết thảy là đôi rùa (quy 龜) lượn trong sóng nước, lưng mang lạc thư gọi là Thần quy phụ lạc thư (神龜負洛書). Nếu trên sông Hoàng Hà long mã mang Hà đồ thì sông Lạc Thủy có thần quy dâng Lạc thư, cũng nhờ đó mà hiểu quy luật trời đất. Rùa sống lâu nên tượng trưng cho trường thọ. Mai rùa cong, yếm rùa dẹp mang vóc dáng vòm trời mặt đất. Dạng nặng, chắc chắn do vậy được trang trí đế bia vững chãi. Trong văn hóa Việt Nam, hình tượng rùa rất thường được dùng để trang trí bởi hàm ý trường thọ, đặc biệt là qua gạch ngói lục giác hình dạng mai rùa.
Không có mô tả ảnh.
2) Thọ 壽:
Chữ thọ là một họa tiết rất thường thấy trong hệ motif dạng chữ. Đây là dạng họa tiết kỷ hà bắt nguồn từ trang trí tuyền thống Trung Hoa, được tạo ra bằng cách cách điệu những Hán tự thành những đường gấp khúc. Chữ Hán là loại chữ tượng hình được phát triển qua thời gian dài, cấu trúc chữ nằm trong một ô vuông nên cân đối và mang tính trang trí rất cao, do vậy có nhiều họa tiết thoát sinh từ chữ Hán. Một số vẫn mang dáng dấp của Hán tự như chữ Á, Thọ, Phúc, Hỷ nhưng phần nhiều bay bổng và không bắt nguồn từ hình tượng nào cụ thể. Họa tiết trên bình phong này tuy rất phổ biến và được gọi tên là thọ nhưng rất khó liên hệ với tự hình nguyên gốc. Chữ thọ được ứng dụng rất nhiều trên bình phong, gạch, mặt dưới ngói và trang phục truyền thống.
Không có mô tả ảnh.
3) Ô da quy
Để trang trí nền trên các mặt phẳng, họa tiết hình học thường được ứng dụng, từ tam giác (chữ nhân – 人字), tứ giác (mắt vọng, mắt cáo), ngũ giác ít gặp hơn, hình tròn (kim tiền, còn các hình tròn cắt nhau thành hoa thị), đặc biệt nhất là họa tiết lục giác. Họa tiết lục giác là dạng trang trí hình học cơ bản trong kiến trúc cổ điển Việt Nam, xuất hiện nhiều nhất trên các ô hộc chạm lộng, đa phần đứng một mình hoặc làm nền cho các motif phức tạp hơn như hoa điểu, tứ thời hóa tứ linh,… Lục giác tựa như mai rùa, vì loài rùa tượng trưng cho trường thọ, họa tiết lục giác mang ý nghĩa cầu chúc cho gia chủ nhiều sức khỏe, sống lâu, sung túc và hạnh phúc.
Trên các bức bình phong như thế này, ô da quy được kéo dài ra thay vì là lục giác đều, ở đây lại được chồng lên nhau để tăng hiệu quả trang trí. Còn có dạng lục giác không đều, cạnh dài ngắn ngẫu hứng tạo thành mặt rạn được gọi là kim quy thất thế (金龜失勢).
Không có mô tả ảnh.
4) Chữ vạn: Trong không gian văn hóa Phật giáo, chữ vạn bắt nguồn từ văn minh Ấn Độ, tượng trưng cho tiến trình vận động của vũ trụ trong một trạng thái trật tự, có quy luật, từ khởi đầu tới hủy diệt và được tái sinh bất tận trong những vòng quay của chu kỳ vũ trụ. Vì vậy, chữ vạn gắn liền với các vị thần cứu tinh, hiện thân của bảo tồn, may mắn và tốt đẹp như Vishnu, Lakshmi và Ganesha, sau này tiếp tục xuất hiện trên các hình tượng của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni trên ngực, lưng và tay chân Phật. Từ một biểu tượng trong Bà La Môn giáo, chữ vạn đi vào truyền thống Phật giáo và xuất hiện rộng rãi ở các quốc gia trong không gian ảnh hưởng Phật giáo. Trong kiến trúc, họa tiết này có thể được xếp vào nhóm họa tiết cơ bản, chung nhóm với các họa tiết kỷ hà khác để trang trí mặt phẳng và làm nền cho các họa tiết khác phức tạp hơn. Mỗi đầu chữ vạn được kéo dài vào kết nối vối nhau thành một mạng lưới liên hoàn các đường kẻ bắt chéo. Chữ vạn xuất hiện nhiều trên các ô chạm khắc trên liên ba, họa tiết nền trên gạch ngói, đắp bằng vữa hoặc gốm sứ trên các bình phong và chạm khắc trên bia đá. Là một biểu tượng thiêng liêng gắn liền với Phật tính, lại mang ý nghĩa tích cực của cái tốt đẹp và vận động, chữ vạn đứng cùng với các đồ án khác trong các bộ trang trí tuyền thống để tuyền tải ước vọng của con người về một cuộc sống hạnh phúc, thịnh vượng.
Chú ý: trong truyền thống trang trí phương Tây cũng có dạng họa tiết chữ vạn kéo dài và nối liền thành họa tiết liên hoàn trang trí bề mặt.
Không có mô tả ảnh.
5) Kim quy – Hoa thị
Ở đây, họa tiết lục giác được sử dụng lại ở dạng lục giác đều, ở giữa điểm thêm hình họa thị. Thực ra, họa tiết bông hoa bốn cánh này không được cách điệu từ hoa thị trong thực tế mà chỉ là tên gọi đặt ra do nhu cầu phân biệt. Còn có họa tiết hoa chanh tám cánh (bốn cánh lớn dài chen bốn cánh ngắn nhỏ), cả hai không mang ý nghĩa biểu tượng và thuần túy trang trí. Các họa tiết hình học thường điểm xuyết thêm những bông hoa nhỏ này ở giữa hình hoặc các giao điểm cho thêm sinh động.
Không có mô tả ảnh.
6) Dơi
Trong trang trí truyền thống có một nhóm đồ án mượn âm để chuyển tải ý nghĩa, trong đó họa tiết dơi là một. Dơi trong tiếng Hán là bức 蝠 (đầy đủ: biên bức 蝙蝠) đọc trại âm như phúc 福, là hình ảnh hoán dụ cho phúc lộc, may mắn, giàu sang. Ở đây lại là lối chơi chữ gấp bội: con dơi ngậm một nhạc khí gọi là khánh (磬) – lại đồng âm với khánh (慶) nghĩa là điều đáng mừng, điềm lành, gọi là đồ án phúc khánh (福慶).
Những hình ảnh khác gồm có lộc (con nai – phúc lộc), áp (con le le – khoa giáp). Đặc biệt, để thể hiện bộ tam đa phúc lộc thọ, nghệ nhân không chạm khắc ba vị thần chúng ta thường thấy, do nhà cửa và mồ mả tránh hình tượng con người, nên đã mượn dơi (phúc) – nai (lộc) và tùng (thọ) để nói lên ý nghĩa.
Không có mô tả ảnh.
7) Chân quỳ hóa mâyChân quỳ là dạng thiết kế đồ nội thất Á Đông rất thường gặp, với vành diềm uốn xuống như kiểu bao lam, chân cong tròn lên duyên dáng. Ở đây, chân quỳ được khéo léo cách điệu thành những cuộn mây, hai bên cong tròn, ở giữa nhọn xuống. Thực chất đây là một dạng họa tiết không thống nhất thuật ngữ. Ở Huế phổ biến tên gọi vân kiên (雲肩), có nơi khác lại gọi là tam sơn (三山) vì hình dáng tự như ba trái núi kề nhau. Hình mây ở đây đơn thuần là một họa tiết trang trí chứ không mang ý nghĩa biểu tượng.
Trong hình ảnh có thể có: ngoài trời
8) Hoa sen
Hoa sen là hình ảnh hết sức quen thuộc trong văn hóa các nước Phật giáo. Loài hoa được hình tượng hóa trong triết lý Phật giáo, trở thành loài hoa thanh cao, thoát khỏi mọi ham muốn, dục vọng để đạt được chánh giác. Do vậy họa tiết hoa sen được trang trí khắp các chùa, miếu, đồ tế tự, mộ chí để nhắc nhở con người về lối sống trong sạch.
Trong hệ motif hoa, hoa sen cũng thường xuất hiện trong bộ tứ thời 四時 như mai liên cúc trúc (梅蓮菊竹), trong đó sen tượng trưng cho mùa hè, mà hình ảnh liên trì mùa hạ đã trở thành biểu tượng kinh điển trong thơ ca trung đại Việt Nam, toát lên khí thanh cao của người ngoạn cảnh. Dùng hình tượng hoa lá để giáo huấn con người, tiền nhân thật tinh tế lắm thay! Nhìn xem, cây trúc càng mọc cao càng cong xuống, ý nói bậc trưởng thượng thì càng phải khiêm nhường. Hoa mai có bao giờ tranh mọc ra nơi đầu nhánh mà khẽ khàng nở ra bên kẽ lá, quân tử thì chớ nên đố kỵ quyền thế. Xuyên qua tầng bùn nhơ, sen trổ bông và tỏa hương thơm ngát, trong cơ hàn càng phải quyết chí lập thân. Hoa cúc héo đi không rụng mà khô lại trên cành, dù vong thân cũng không khuất phục.
Trong hình ảnh có thể có: thực vật và ngoài trời
Còn trong hệ hoa điểu (một cặp hoa – chim), sen đi chung với chim le le trong đồ án liên áp. Hình ảnh liên áp trong mô típ này là cảnh một đôi vịt bơi lội trong ao sen. Ngoài là hình tượng tự nhiên, liên áp còn mang tầng nghĩa khác. Liên là hoa sen, áp là con vịt/ le le. Trong chữ áp 鴨 có bộ giáp 甲* trong từ khoa giáp 科甲, chỉ mong ước đỗ đạc, vinh quang. Liên 蓮 hoa sen đồng âm với liên 連 mang nghĩa tiếp tục, thông suốt. Vậy liên áp là ước mong cho đường học vấn, thi cử được thuận lợi, suôn sẻ, làm vinh rỡ tổ tiên.
9) Họa tiết dây – 藤 (đằng)
Dây lá nằm trong nhóm những đồ án thực vật, không thực sự xuất phát từ một loài cụ thể nào mà mang dáng ước lệ dạng tua cuốn và phần nhiều bay bổng, thoát xa hình dáng trong thực tế. Dây lá thường được sử dụng đơn lập hoặc kết hợp với các đồ án khác, như hóa long, hóa phụng, hóa phúc, khi đó sẽ mang thêm ý nghĩa biểu tượng của motif kết hợp.
Không có mô tả ảnh.
Quá trình nghiên cứu các nguồn tư liệu lịch sử và thám sát khảo cổ học đã đưa lại rất nhiều kết quả thú vị, đặc biệt là cách thiết kế đầy chất phong thủy của bức bình phong Cơ Mật Viện. Bình phong này đặt cách cổng chính chỉ 3 trượng nhưng cách tòa Cơ Mật Viện đến 30 trượng. Sau khi đối chiếu tỷ lệ kích thước của chân móng so với tam quan và tòa nhà chính, kích thước của bức bình phong dự kiến được phục hồi có các thông số cực đẹp tính theo cây thước phong thủy và quan niệm truyền thống: tổng chiều dài là 20 thước (7,680m), cao 12 thước (4,608m), dày tại chân đế 2 thước (0,767m).
Việc nghiên cứu phục hồi các họa tiết trang trí được tiến hành hết sức cẩn trọng, công phu, và việc thi công chỉ được tiến hành sau khi dự án được Hội đồng Khoa học Nghệ thuật của Trung tâm (cấp cơ sở) và Hội đồng Khoa học của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, phê duyệt. Đội ngũ nghệ nhân trẻ của Công ty Cổ phần Tu bổ Di tích được giao nhiệm vụ thực hiện. Sau gần 6 tháng thi công, công trình đã chính thức được khánh thành vào tháng 8/2010, đánh dấu sự hồi sinh của một tác phẩm nghệ thuật đặc biệt, và còn hơn thế, đó là sự hồi sinh của một di sản tưởng đã mất đi vĩnh viễn.
Trong hình ảnh có thể có: mọi người đang ngồi và trong nhà
Hình ảnh bức bình phong Cơ Mật Viện mới được phục hồi năm 2010.(Ảnh: Trung tâm BTDT Cố đô Huế)
Điều đáng nói nữa là sau khi phục hồi công trình này, Trung tâm đã “đòi” lại được và trả về đúng vị trí cũ chiếc đỉnh đồng đúc thời Thành Thái vốn được Nguyễn cho đặt ngay sau bức bình phong. Bình-đỉnh lại thành đôi để hợp lực cùng nhau giữ yên cho cuộc đất. Đối với di sản Huế, đó thật là sự kiện “song hỷ lâm môn”!
Sự tái xuất hiện của bức bình phong tại Cơ Mật Viện đã thu hút sự quan tâm chú ý của rất nhiều người, nhất là du khách vãng lai. Nhiều bậc lão niên người Huế sống ngay tại cố đô hoặc đi xa về ghé thăm đều tỏ ra rất vui mừng. Họ vui không chỉ vì sự hồi sinh của một di sản mà còn vui vì tin tưởng rằng lớp nghệ nhân trẻ ngày nay có thể kế tục sự nghiệp của cha ông để giữ gìn các di sản văn hóa truyền thống.(1) Một trượng thời Nguyễn, theo hệ thước đo thông thường (Quan mộc xích), bằng 10 thước, tương đương 4,24m. Từ năm 1898 trở đi, ở miền Bắc, một trượng chỉ còn 4m, nhưng tại miền Trung vẫn giữ nguyên kích thước cũ.
(2) Thời Nguyễn, ngoài sử dụng hệ thước mộc (Quan mộc xích), thước may (Quan phùng xích) còn có thước Lỗ Ban (hay thước phong thủy, mỗi thước tương đương 386mm). Việc xây dựng các công trình kiến trúc thường có sự kết hợp giữa hai loại thước: thước mộc để đo các kích thước chung, thước Lỗ Ban để điều chỉnh các kích thước quan trọng cho phù hợp với vận mạng, tuổi tác và nguyện vọng của gia chủ (như làm bình phong, mở cổng, cửa nhà…).
(3) Chiếc đỉnh này là 1 trong 2 chiếc đỉnh được đúc năm 1899 thời vua Thành Thái. Cả hai gần như giống nhau về kích thước, kiểu dáng. Hiện 1 chiếc được đặt trước nhà hát Duyệt Thị Đường, còn chiếc đỉnh đã nói được đặt trước toà Thị chính Thành phố Huế (UBND Thành phố Huế). Gần phía miệng đỉnh cả 2 chiếc đều có khắc 2 dòng chữ “ Thành Thái thập nhất niên trọng xuân chi cát” (Ngày tốt tháng Hai năm Thành Thái thứ 11, tức năm 1899) và “Công Bộ phụng giám chú” (Bộ Công phụng mệnh vua giám sát việc đúc đỉnh). Tuy nhiên không có dòng chữ nào cho biết trọng lượng của 2 chiếc đỉnh này. Chiếc đỉnh đặt trước nhà hát Duyệt Thị Đường cao 174cm kể cả quai, trong đó chân cao 76cm; chu vi vòng thân là 320cm. Chiếc đỉnh đặt trước tòa Thị chính Huế, nay đã được chuyển về đặt sau bức bình phong ở Cơ Mật Viện, thì cao 176cm, trong đó chân cao 78cm; chu vi vòng thân là 322cm.Nguồn : trang facebook Tản Mạn Kiến Trúc
           netdoco.com.vn
Lão Cổ Vật tổng hợp.

Để lại Đánh giá

Email của bạn sẽ được giữ kín, các trường cần điền sẽ đánh dấu *

Đánh giá*

Họ tên *

Email *

Tin liên quan

Chọn bài viết hiển thị
Xác Định Giá Trị Của Đồ Cổ

laocovat

Thứ Hai, 12 Tháng Mười Hai 2022

Xác Định Giá Trị Của Đồ Cổ
Đồ độc bản là gì?

laocovat

Thứ Hai, 12 Tháng Mười Hai 2022

Đồ độc bản là gì?
Tranh chữ PHÚC cỡ lớn
Chỉnh sửa ảnh liên kết

Địa Chỉ Cửa Hàng Chúng Tôi

Hotline: 098.13.02468

Email: contact@laocovat.com

Địa chỉ: 146 Nghi Tàm - Tây Hồ - Hà Nội