Cười như nghê ViệtLike 0 289
laocovat
Thứ Hai, 12 Tháng Mười Hai 2022
Trong kho tàng mỹ thuật cổ truyền của người Việt, nghê là linh vật có khuôn mặt biểu cảm nhất, là linh vật mang chất người nhất. Con nghê tuy là một con vật truyền thuyết nhưng rất gắn bó với người Việt. Những con nghê nhỏ bé phù hợp với vóc dáng, tâm sinh lý của người Việt. Trong hệ thống lăng tẩm, sinh từ, đền miếu của người Việt tuy có nhiều con thú nhưng con nghê trở thành một linh vật thân thiết và trìu mến nhất.
Nghê có hình hài biểu hiện rất đa dạng, nhưng về thần thái biểu cảm chỉ có hai dạng chính. Một là trạng thái nghiêm trang, cung kính, đó là dạng nghê chầu. Hai là trạng thái hoan hỷ, vui vẻ. Ở dạng thứ nhất, trang nghiêm, kính cẩn là biểu hiện tiêu biểu của những con nghê trên các đỉnh hương. Có thể đây là hình thức đặc trưng của loại toan nghê, một trong chín con của rồng mà thư tịch Trung Hoa thường nhắc đến. Loại thứ hai, đây cũng là một trạng thái rất phổ biến của các con nghê Việt: hoan hỷ, hồ hởi, náo hoạt, tếu táo. Loại nghê này đã xuất hiện thời Lý. Trên minh văn khắc trên chuông chùa Thiên Phúc (1109), có nhắc đến chi tiết việc trang hoàng Phật điện xưa đã có "khánh hỷ đăng nghê" chính là những con nghê hoan hỷ nô đùa. Những con sấu nghê thành bậc vẫn còn thấy lác đác còn sót lại ở một vài di tích có thể giúp chúng ta hình dung được phần nào những nụ cười nghê thời Lý.
Có một câu hỏi mà tôi từng thắc mắc bấy lâu, trong khi người Hán nói cáu như nghê thì người Việt lại nói cười như nghê tức nộ nghê hạt ký. Ký là loài ngựa rất khỏe, chuyên dùng đi đường dài. Chiến quốc sách "Thần văn kì kí thịnh tráng chi thì, nhất nhật nhi trì thiên lí, chí kì suy dã, nô mã tiên chi" (Yên sách tam) Tôi nghe nói ngựa kì ngựa kí đương lúc sung sức, một ngày chạy ngàn dặm, đến khi suy nhược thì thua cả ngựa hèn. Hạt là khát. Hạt ký chỉ cái khát của con ngựa đi đường dài. Thành ngữ này có cấu trúc tương đương của hai mệnh đề. Nghê cáu giận cũng như con ngựa đi đường dài khát nước. Thành ngữ này cho thấy nhận thức chung về nghê trong văn hóa Trung Hoa đó là linh vật có khuôn mặt cáu kỉnh. Người Việt, trái lại, không có thành ngữ nào tương đương như vậy vì nghê Việt thường chỉ có hai trạng thái hoặc rầu rĩ hoặc hoan hỷ. Và thành ngữ cười như nghê nói lên tính cách biểu cảm của nghê Việt.
Nghê cười đủ kiểu, có cười lăn cười lộn, cười nhe răng, cười toe toét, cười tít mắt, cười hô hố, cười mỉm, cười xòe, cười hả hê, cười ngặt nghẽo, cười, cười khúc khích, cười nhe răng, cười sằng sặc. Tóm lại, cười như nghê Việt không giấy bút nào tả xiết.
Xin được kể ra những nụ cười nghê xuyên thế kỷ.
Nghê đền vua Lê Thánh Tông
Sử gia Vũ Quỳnh (đời Lê Sơ) từng ca ngợi đức minh quân Lê Thánh Tông: Vua tự trời cao siêu, anh minh quyết đoán, có hùng tài đại lược, võ giỏi, văn hay. Tượng nghê ở đền vua Lê Thánh Tông cũng thấm nhuần cái đức của bậc thánh đế: nghiêm từ mà không ác, uy vũ mà không hiếu sát, giản dị mà đàng hoàng, tiết giảm mà chu chỉnh, tráng lệ mà không hoa mỹ. Thật xứng tầm báu vật quốc gia. Nghê có những đặc điểm tiêu biểu cho nghê Việt: Mắt sáng, tai to, hàm rộng, răng nhiều, ức nở, bụng thon. Đặc biệt có hai đặc điểm tiêu biểu là dãy kỳ dựng đứng ở trên lưng và miệng ngậm ngọc đang nở nụ cười tươi tắn, rạng ngời.
Nghê đá đền Vua Lê Thánh Tông
Nghê đá hành cung Cổ Bi
Trong hệ thống các hành cung nổi tiếng của Đại Việt như hành cung Vũ Lâm, hành cung Thiên Trường, hành cung Lỗ Giang... đều chỉ còn lại chút phế tích đổ nát, thậm chí còn đôi ba dòng trong sử sách. Chiến tranh và thiên tai cũng đã xóa bỏ hầu như toàn bộ các hạng mục kiến trúc hành cung Cổ Bi (Gia Lâm, Hà Nội) của chúa Trịnh Cương. Hành cung được nhà chúa xây dựng trong khoảng từ năm 1727 đến 1729 có tên là Phủ Kim Thành. Hành cung còn sót lại cặp voi đá, hổ đá và nghê đá. Nghê đá Cổ Bi xứng đáng là đôi nghê đá lớn nhất Việt Nam. Với chiều cao cả bệ hơn 2m thì tổng chiều cao nghê đá ở từ chỉ họ Đặng. Đứng trước cặp nghê đá này, chúng ta sẽ có cảm nhận về sự thuần phác, đôn hậu, thân tình mà cặp linh vật này đem lại. Tượng nghê được đục với tạo hình đầy đặn, phương phi với cặp mắt tròn xoe, miệng mím, lông bờm mỏng mượt tuôn rủ xuống vai. Tất cả tạo nên sự thiện cảm, thân thương một cách kỳ lạ.
Nghê đá hành cung Cổ Bi
Nghê ở nhà quan Tuần phủ Hoàng Thụy Chi
Tạ Ngọc Hoàng Thụy Chi là một vị đại quan thời Nguyễn. Cũng giống với Nguyễn Huy Oánh, cụ Tạ Ngọc là vị quan hay chữ, thích văn chương và lịch duyệt. Viện Hán Nôm còn lưu giữ bản ghi chép hành trình sang Paris của ông. Dinh thự ở số 14 phố Đường Thành là do KTS người Pháp thiết kế là một công trình kiến trúc mang phong vị Á-Âu khá nguy nga. Ở lối lên và xuống cầu thang phòng khách đều có một chú nghê nhỏ. Nghê ở lối vào thì hớn hở đón chào, ở lối ra thì rầu rĩ tiễn biệt. Nghê quan mà cũng chỉ tầm hai gang tay chiều cao. Viết đến đây, tôi chạnh lòng nhớ đến những đôi sư tử vùng Hoa Bắc (Trung Quốc) đồ sộ, đầy phô trương và hăm dọa ở cổng các tư dinh, công đường thời nay.
Nghê đá ở nhà quan Tuần phủ Hoàng Thụy Chi
Nghê từ đường gia đình cụ Đỗ Văn Ái.
Từ đường họ Đỗ ở làng Vạn Phúc vẫn còn lưu giữ một đôi gỗ phủ sơn, nằm ở mép góc hương án. Tuy kích thước khá nhỏ nhưng đặc biệt sinh động, ngộ nghĩnh. Nói đến cúng tế ắt hẳn ta liên tưởng đến dáng điệu uy nghi của chủ tế, những từ ngữ thâm sâu, kỳ cổ của bài văn cúng quện trong hương khói, đèn nến lung linh. Nhưng đôi nghê có gương mặt khá linh lợi bất chợt thè lưỡi như đang có ý trêu đùa, châm chọc.Nghê từ đường gia đình cụ Đỗ Văn Ái
Nguồn : Tạp Chí Nghệ Thuật
Tin liên quan
laocovat
Thứ Hai, 12 Tháng Mười Hai 2022
laocovat
Thứ Hai, 12 Tháng Mười Hai 2022
Địa Chỉ Cửa Hàng Chúng Tôi
Hotline: 098.13.02468
Email: contact@laocovat.com
Địa chỉ: 146 Nghi Tàm - Tây Hồ - Hà Nội