Thứ Hai, 12 Tháng Mười Hai 2022
Vào giữa thế kỷ XVI đến gần cuôi thế kỷ XVIII, các chúa Nguyễn truyền nối nhau cai trị đất Đàng Trong. Dựa theo truyền thống “Cư trần lạc đạo” thời Lý-Trần, các chúa Nguyễn chu trương “cư Nho mộ Thích” để ổn định tâm lý xã hội đẩy mạnh việc phát triển đất nước ở phương Nam. Vào thời này, đạo Phật được triều đình lẫn quần chúng nhân dân tích cực ủng hộ. Các ngôi chùa được sắc tứ vào thời chúa Nguyễn cho đến nay vẫn còn như: chùa Thiên Mụ (Huế) chùa Tam Thai (Ngũ Hành Sơn - Đà Nẵng) chùa Thập Tháp Di Đà (Bình Định)…
Chúa Nguyễn Phúc Chu (1675-1725) là người thuần tín Phật giáo, ông quy y Phật, đạo hiệu là Thiên Túng Đạo Nhân. Vì thế khi sáng tác thơ văn, ông thường ghi ba chữ Đạo Nhân thư ở cuối tác phẩm. Và, từ đó các tác phẩm văn học Phật giáo đều được ông đặt ký kiểu trên đồ sứ Trung Quốc, nhiều nhất là vào năm 1701.
Đồ sứ ký kiêu của chúa Nguyễn Phúc Chu chủ yếu là các loại tô, dĩa đựng thức ăn, dụng cụ dùng để uống trà, thường có hiệu đề “Thanh Ngoạn” viết theo lối chữ Triện, với đề tài ký kiểu thường là phong cảnh sơn thủy, chùa tháp cùng các bài thơ vịnh phong cảnh non nước ở xứ Đàng Trong. Những ngôi chùa mà ông đã từng đến chiêm bái và có thơ ca ngợi vẻ đẹp nơi ấy đều là đề tài lớn trong sản phẩm ký kiểu còn tồn tại đến ngày nay.
Chiếc dĩa trà vẽ cảnh chùa Thái Bình ở núi Tam Thai (Ngũ Hành Sơn - H.1).
H.1
Một sản phẩm ký kiểu khác mang ý nghĩa giáo dục Phật giáo hết sức thiết thực mà các đời chúa Nguyễn đặt ký kiểu nhằm giáo dục trong nhân dân đoàn kết và sẻ chia, đo là chiếc dĩa vẽ tích “Hòa hợp nhị Thánh”, niên đại thế kỷ XVIII (H.2).
H.2
Theo truyền tích Trung Hoa, vào đời nhà Đường có hai nhà sư tên Hàn Sơn và Thập Đắc là bạn đồng tu tại chùa Quốc Thanh. Sau một thời gian xa cách, Thập Đắc đi đến Tô Châu tìm Hàn Sơn. Nghe tin bạn đến, Hàn Sơn vội bẻ một cành hoa sen đang nở làm vật đón bạn. Gặp nhau hai người vô cùng hoan hỷ, Hàn Sơn lấy hoa sen phủi bụi trên áo cho Thập Đắc. Thập Đắc mở bình bát mới khất thực được mời Hàn Sơn cùng ăn. Về sau hai người cùng về ẩn tu ở Hàn Sơn tự, thường cứu giúp, hóa độ quần chúng. Do cảm niệm ân đức của Hàn Sơn và Thập Đắc cùng phong thái tự tại giải thoát nên dân gian thường vẽ hình ảnh Hàn Sơn tay cầm hoa sen, Thập Đắc tay cầm bát cơm ngụ ý sự chia sẻ và hòa hợp. Đến đời Ung Chính nhà Thanh, vua Ung Chính hạ chiếu phong Hàn Sơn là Hòa Thánh, Thập Đắc là Hợp Thánh, cho nên bức họa thường đề là “Hòa hợp nhị Thánh”.
Chiếc dĩa vẽ tích “Huệ Khả cầu an tâm” (H.3) miêu tả Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma đang tọa thiền bên động Thiếu Thất ở Tung Sơn. Trên cầu đá ở ngoài trời sư Huệ Khả đứng quay mặt nhìn vào.
H3
Chiếc dĩa (H.4) vẽ toàn cảnh biển Tư Hiền (trước kia là Tư Dung - Huế). Tư Hiền là cửa biển quan trọng của vùng Thuận Hóa xưa. Thuở ấy chúa Nguyễn Phúc Chu vân du nơi này thấy cảnh non hữu tình nên cao hứng đọc lại bài thơ Tư Dung vãn của Lộc Khê Hầu Đào Duy Từ (1572-1634) một công thần của chúa Nguyễn Phúc Chu nên về sau đặt vẽ ký kiểu toàn cảnh biển Tư Dung và đề thơ Nôm phía sau: “Một bầu riêng rẽ thú yên hà/Nghi ngút hương bay cửa Đại La/Ngày vắng đỉnh đang chuông Bát nhã/Đêm khuya dắng dỏi kệ Di Đà/Nhặt khoan đàn suối ban mưa tạnh/Eo óc cẩm ve thuở ác tà/ Mựa rằng đạo xa hòa nhọc kiếm/Bồ Đề kết quả ở lòng ta”.
H.4
Giới sưu tập đồ sứ ký kiểu hẳn đều phải để ý đến chiếc dĩa vẽ cảnh Quốc sư Pháp Thuận đời Tiền Lê giả làm người chèo đò đón sứ giả nhà Tống là Lý Giác qua sông Sách. Sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi lại: Năm 987 niên hiệu Thiên Phúc thứ 8, triều Tống cử sứ giả Lý Giác sang nước ta. Để có người đủ trình độ theo dõi và ứng đối sứ thần, vua Lê mời sư Pháp Thuận giả làm người chèo đò ở sông Sách. Lúc thuyền qua sông, Lý Giác nhìn cảnh sông rất đẹp lại có thêm hai chú ngỗng đang bơi rất thản nhiên nên liền cao hứng ngâm: Nga nga lưỡng nga nga/Ngưỡng diện hướng thiên nha. Ngâm tới đây thì ông lão chèo đò cất giọng ngâm tiếp: Bạch mao phô lục thủy/Hồng trạo bãi thanh ba. Nếu hợp lại bốn câu thì thành một bài thơ tuyệt tác. (Tạm dịch: Song song ngỗng một đôi/Ngửa mặt ngó ven trời/Lông trắng phơi dòng biếc/Sóng xanh chân hồng bơi). Lúc bấy giờ, sứ thần Trung Quốc nghĩ nước Nam thật lắm người tài. Chỉ một lão chèo đò mà kiến thức uyên thâm như thế thì người trị vì há chẳng hơn sao! Liền lui về nước Tống trình báo hoãn binh. Về sau, các chúa Nguyễn thường vẽ ký kiểu trên đồ sứ để lưu truyền về chuyện sư Pháp Thuận và sứ thần Lý Giác (H.5).
H.5
Ngoài những đồ sứ được ký kiểu ở thơi chúa Nguyễn Phúc Chu, từ thế kỷ XVIII đến thế kỷ XIX triều Nguyễn cũng xuất hiện nhiều đồ sứ ký kiểu vẽ đề tài Phật giáo. Chiếc dĩa (H.6) hiệu đề “Tân Sửu niên chế” vẽ toàn cảnh chùa Bạch Tự với thơ đề: Đăng đạo bàn hư không/Đăng lãm ấp vô cùng/Lệ cảnh vu thành mãn/Nghiễm nhập họa đồ trung. (Tạm dịch: Bậc đá quanh co đến cõi không/Lên cao mắt thấy thật vô cùng/Khắp nơi cảnh đẹp, thành hoang vắng/Người nhập vào tranh thỏa ước mong).
H.6
Chiếc dĩa (H.7) vẽ toàn cảnh chùa Thánh Duyên ở núi Thúy Vân,Thừa Thiên- Huế, trên dĩa đề thơ vịnh của vua Thiệu Trị (1804-1847) “Tuệ phong chung độ u lâm hưởng/Không vũ hương la pháp hải lân/Thụ luyến từ đàm phù bịch lạc/Kinh xuyên Tăng kịch tạp hồng trần. (Tạm dịch: Gió thiền chuông điểm rừng sâu dội/Cõi diệu hương đưa biển Pháp nhuần/ Cây vướng mây lành lên cảnh Bụt/Đường xuyên guốc sãi lấm hồng trần).
H.7
Hoặc chiếc dĩa (H.8) bên phải vẽ tòa lâu đài ẩn dưới bóng trúc u nhã. Ngoài cổng đề bốn chữ “Phong nguyệt vô biên”. Bên trên vẽ cảnh “Phi Lai tự” và bên cạnh chiếc cầu vẽ một nhà sư và đạo sĩ vái chào nhau. Tương truyền vào đời Tấn (Trung Quốc) có nhà sư Huệ Lý, trong luc du sơn ngoạn thủy thấy phong cảnh nơi đây giống như ngọn núi Linh Thứu bên Thiên Trúc (Ấn Độ). Cho rằng núi này từ Thiên Trúc bay sang Trung Quốc nên sư đặt tên là Linh Thứu sơn rồi lập chùa Phi Lai ở ẩn tu hành.
Xuyên suốt quá trình lịch sử hơn 2.000 năm kể từ khi du nhập Việt Nam, Phật giáo đã để lại nhiều dấu ấn lịch sử, văn hóa trong đời sống dân tộc. Trong đó, đồ sứ ký kiểu các điển tích Phật giáo hiện còn là một trong những di vật quý giá cần được bảo tồn.
Đồ thờ cao cấp Gia Tộc Việt - khẳng định vị thế số 1 về đồ thờ cao cấp!
Mọi thông tin chi tiết xin vui lòng liên hệ với chúng tôi theo địa chỉ:
THÔNG TIN CÔNG TY
Cty cổ phần Bát Tràng Việt Nam
Địa chỉ: Số 138 - Xóm 5 - Bát Tràng - Gia Lâm - Hà Nội
MS thuế: 0107 530 962
THÔNG TIN TÀI KHOẢN
Số TK: 09899966001
Chủ TK: Công ty Cổ phần Bát Tràng Việt Nam
Ngân hàng: TP Bank CN Hà Nội
|
LIÊN HỆ
- Trụ sở: Số 138 - Xóm 5 - Bát Tràng - Gia Lâm - Hà Nội
- Xưởng sản xuất: Xóm 1, Bát Tràng, Gia Lâm, HN
- Email: dothocaocapvn@gmail.com
- Hỗ trợ trực tiếp: 0931.30.1111
- Hỗ trợ đặt hàng: 088.860.2222
|