DÒNG GỐM VIỆT 500 NĂM THẤT TRUYỀN BẤT NGỜ HỒI SINH TỪ 1 CON...Like 0 129
laocovat
Thứ Hai, 12 Tháng Mười Hai 2022
Dòng gốm Việt 500 năm thất truyền bất ngờ hồi sinh từ 1 con tàu đắm: Mỏng như giấy, trắng như ngà
Mỏng như giấy, trong như ngọc, trắng như ngà, kêu như chuông…Đó là gốm Chu Đậu, không những là dòng gốm cổ cao cấp nhất Việt Nam mà còn rất nổi tiếng thế giới. Gốm Chu Đậu được coi là gốm đạo, gốm bác học, thấm đẫm văn hóa tâm linh người Việt. Nó đã được hồi sinh như thế nào?
Chiếc bình An Nam nổi tiếng được lưu giữ tại Bảo tàng Hoàng cung Topaki ở Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh: VietNamNet Bridge)
Gốm Chu Đậu – Một thời huy hoàng bị thất truyền hơn 500 năm
Gốm Chu Đậu in đậm dấu ấn lịch sử và những giá trị nhân văn của quốc Đạo: Phật giáo, Đạo giáo, Nho giáo.
Song từ lâu, người dân đồng bằng Bắc Bộ chỉ biết đến các làng gốm truyền thống Bát Tràng (Hà Nội), Hương Canh (Vĩnh Phúc), Thổ Hà, Phù Lãng (Hà Bắc)… còn gốm Chu Đậu, căn cứ vào những di vật có ghi rõ niên hiệu thì đã hơn 500 năm thất truyền.
Đến khi ông Makoto Anabuki, nguyên Bí thư Đại sứ quán Nhật Bản tại Hà Nội, năm 1980 trong chuyến công tác tại Istanbul, thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ, khi đến thăm bảo tàng Topkapi Saray, nơi sở hữu một kho tàng gốm sứ lừng danh và đồ sộ của châu Á mà các đời hoàng gia ưa chuộng, ông đã nhìn thấy chiếc bình hoa lam quý giá có ghi dòng chữ Hán: “Thái Hòa bát niên, Nam Sách châu, tượng nhân Bùi Thị hý bút” (nghĩa là: Năm Thái Hoà thứ tám , tức đời vua Lê Thánh Tông 1450, thợ gốm họ Bùi, người châu Nam Sách, vẽ chơi). Tên tác giả của chiếc bình hiện vẫn đang gây tranh cãi.
Bình gốm giọt ngọc Chu Đậu
Bình gốm Tỳ Bà Chu Đậu
Ông Makoto Anabuki đã viết thư cho Bí thư tỉnh ủy Hải Hưng là ông Ngô Duy Đông, nhờ các nhà khảo cổ học cho biết chiếc bình gốm đó có xuất sứ từ làng gốm nào.
Sau một thời gian điền dã, khảo sát những dấu vết từ làng gốm cổ, từ năm 1986-1997, các nhà khảo cổ học tỉnh Hải Dương đã xác định được phạm vi di tích sản xuất gốm rộng 4 vạn mét vuông tập trung nhất tại khu vực giáp đê sông Thái Bình thuộc địa bàn xã Thái Tân và Minh Tân huyện Nam Sách.
Khám phá quá khứ lẫy lừng của tổ tiên sau 7 lần khai quật
Sau 7 lần khai quật, quá khứ lẫy lừng của tổ tiên người dân địa phương được khám phá: Hơn 100 đáy lò dưới lòng đất, hơn một vạn hiện vật chủ yếu là bát, đĩa, hộp, lọ, bình… Biện pháp bắn cacbon đã xác định được những sản phẩm này có niên đại cách đây khoảng 500 đến 600 năm.
Theo các nhà nghiên cứu thì Chu Đậu xưa là một trung tâm gốm cao cấp, xuất hiện vào cuối thế kỷ XIV, cực thịnh vào thế kỷ XV – XVI và tàn lụi vào thế kỷ XVII do nhiều nguyên nhân. Nội chiến giữa nhà Lê và nhà Mạc, vùng Nam Sách trong đó có làng gốm Chu Đậu đã bị tàn phá, các nghệ nhân làng gốm phải phiêu bạt đến vùng khác và lập nên các làng nghề gốm mới.
Một số nghệ nhân khác di cư sang Nhật, Triều Tiên hoặc đi tìm đường làm ăn ở các làng gốm trong nước như nghệ nhân Vương Quốc Doanh đã dẫn cả một đoàn thợ lên làng gốm Bát Tràng, góp phần làm cho gốm Bát Tràng hưng thịnh như ngày nay…
Dòng gốm lưu giữ tinh hoa văn hóa Việt
Theo các nhà nghiên cứu, gốm Chu Đậu là sự kế thừa của gốm Vạn yên thế kỷ XIII, gốm Lý – Trần về lớp men ngọc và tạo khắc hoa văn chìm nổi, kiểu dáng thanh thoát. Bởi vậy gốm Chu Đậu thời đó đã đạt được 4 tiêu chuẩn:
“Mỏng như giấy, trong như ngọc, trắng như ngà, kêu như chuông.”
Một điều nữa là gốm Chu Đậu đã thể hiện được tâm hồn Việt qua hoa văn trang trí gắn với thiên nhiên và cuộc sống của cư dân vùng châu thổ sông Hồng như cảnh mục đồng chăn trâu, cô gái lái đò, người đội nón, mặc áo tứ thân, kết tóc đuôi sam, những mái nhà tranh ven sông, hoa sen dây, hoa cúc quấn, cỏ cây chim cá…
Giữa các sản phẩm thường có chữ Phúc, Chính, Sĩ, Hoa, Trung, Kim, Ngọc, Tàm, Quỳ, Trù…, có thể là tên hiệu của các chủ lò.
Gốm Chu Đậu thuộc dòng gốm cổ cao cấp nhất Việt Nam và phát triển rực rỡ trong suốt thời Lý – Trần – Lê – Mạc. Chúng cũng đã từng được xuất khẩu sang các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Đông Nam Á, sang tới Ấn Độ Dương, vịnh Ba Tư và các nước phương Tây.
Tinh hoa tìm lại từ con tàu đắm…
Việc tìm thấy loại gốm này từ xác con tàu đắm có niên đại vào giữa thế kỉ 15 được trục vớt ở vùng biển Cù Lao Chàm từ 1997-2000 cho thấy từ xa xưa gốm Việt Nam đã vang danh thế giới. Có thể nói, những gì tinh hoa nhất, Việt Nam nhất hội tụ đủ ở Gốm Chu Đậu.
Điển hình như, đề tài con người được coi là khá hiếm hoi trong phổ hệ gốm Việt Nam nói chung, thì với dòng gốm này lại khá phong phú. Có thể khẳng định rằng, đây là sưu tập giàu có nhất từ trước tới nay về đề tài con người chúng ta được biết.
Đó là các vị nam thần, nữ thần, tiên ông, tiên bà, những quý tộc trong lầu son gác tía, các cụ già thả câu, chèo thuyền, các trai tráng quản tượng, những chiến binh, những trẻ em nô đùa, cưỡi trâu thổi sáo…
Đề tài động vật thì được thể hiện dưới hai dạng thức, đó là những con vật linh: rồng, lân, rùa, phượng và những con vật có thật trong đời thường như sư tử, voi, hổ, ngựa, trâu, bò, khỉ, hươu, chim đại bàng, vẹt, chích choè, chào mào, sáo, bói cá, vịt, thiên nga, chim sâu, dơi…
Ấm voi Chu Đậu (Ảnh: tinhhoagomviet.vn)
Ngoài ra các đề tài về thiên nhiên, hoa lá, phong cảnh sơn thuỷ, hay những sinh vật khác cũng được thể hiện rất đa dạng, sinh động và chi tiết.
Phương pháp chế tạo cũng đạt trình độ cao, đó là chuốt, tạo dáng trên bàn xoay, ngắt sản phẩm thành nhiều công đoạn rồi lắp ghép lại và gia công. Xương gốm phần lớn có màu xám nhạt, cứng rắn, có loại trắng đục, trắng trong. Phương pháp trang trí rất đa dạng, hài hòa, tinh xảo như vẽ, khắc, họa, đắp,… sản phẩm được phủ và vẽ chất liệu men trắng hoa lam, men ngọc, men màu tam thái hoặc rạn đục…
Khôi phục dòng gốm đẹp của Việt Nam và quốc tế
Ngày nay đến với Chu Đậu, bạn không chỉ được chiêm ngưỡng cảnh quan thiên nhiên thanh bình, yên ả của làng quê đồng bằng châu thổ sông Hồng mà còn có dịp tìm lại những nét tinh hoa của văn hóa truyền thống cổ xưa. (Ảnh: ueb.edu.vn)Trong những năm tháng chiến tranh, nghề gốm cổ Chu Đậu đã bị thất truyền. Đến năm 2001, gốm cổ Chu Đậu được nghiên cứu, phục hồi lại chất men, kỹ thuật sản xuất, kiểu dáng sản phẩm, từ đó, làng nghề gốm Chu Đậu dần hồi sinh và phát triển như hiện nay.
Gốm Chu Đậu hiện đang được trân trọng lưu giữ tại 46 bảo tàng danh tiếng của 32 quốc gia trên thế giới. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, Tổng công ty Thương mại Hà Nội (HAPRO) đã và đang phục hưng lại làng nghề, vùng nghề gốm cổ Chu Đậu với mong muốn làm hồi sinh, làm sống lại tầm cao của gốm Chu Đậu, “một dòng gốm đẹp của Việt Nam và quốc tế”, đáp ứng sự mong mỏi của đông đảo quý khách trong và ngoài nước.
Gốm cổ Việt, với những giá trị riêng biêt thể hiện tinh hoa văn hóa của người Việt, là một di sản đã được nhiều học giả thế giới thừa nhận, đang và sẽ được tôn vinh trong giới sưu tập đồ cổ thế giới cũng như trong nước. Đó là điểm đáng tự hào của gốm sứ Việt Nam mà chúng ta cần phát huy cho nghề gốm hôm nay.
Dưới đây là một số đồ gốm cổ Chu Đậu được lưu giữ tại các bảo tàng lớn trên thế giới:
Dĩa gốm Chu Đậu, thế kỷ XV-XVI, tại Bảo tàng Rijks, Amsterdam, Hà Lan. (Ảnh: nghethuatxua.com)Đĩa gốm Chu Đậu vẽ kỳ lân, thế kỷ XV-XVI, hiện vật của Bảo tàng thành phố Machida, Nhật Bản. (Ảnh: nghethuatxua.com)
Đĩa gốm Chu Đậu vẽ song điểu, thế kỷ XV-XVI, hiện vật của Bảo tàng Mỹ thuật Fukuoka, Nhật Bản. (Ảnh: nghethuatxua.com)Kendi gốm Chu Đậu vẽ hoa sen và triền chi, thế kỷ XV, hiện vật của Bảo tàng Mỹ thuật Fukuoka, Nhật Bản. (Ảnh: nghethuatxua.com)
Ang gốm Chu Đậu vẽ hoa cúc và hoa cẩm chướng, thế kỷ XV, hiện vật của Bảo tàng Nghệ thuật Dresden, Đức. (Ảnh: nghethuatxua.com)
Một số đồ cổ được trục vớt từ con tàu đắm ở Cù Lao Chàm, Hội An:
Đĩa hình ngựa trời có cánhẤm hoaBình gốm hoa lam vẽ thiên nga triều Lê sơ ngày nay được xem là Bảo vật Quốc gia
Hà Phương Linh
Theo Đại Kỷ Nguyên
Lão Cổ Vật sưu tầm.
Tin liên quan
Chọn bài viết hiển thị
Những phương pháp bảo quản cổ vật không phải ai cũng biết
laocovat
Thứ Hai, 12 Tháng Mười Hai 2022
NÉT ĐẸP CỦA ĐỒ GỐM SỨ TRONG HOÀNG CUNG THĂNG LONG - THE BEAUTY OF CERAMICS FROM THANG LONG IMPERIAL PALACES
laocovat
Thứ Hai, 12 Tháng Mười Hai 2022
Chỉnh sửa ảnh liên kết
Địa Chỉ Cửa Hàng Chúng Tôi
Hotline: 098.13.02468
Email: contact@laocovat.com
Địa chỉ: 146 Nghi Tàm - Tây Hồ - Hà Nội