Tư vấn thẩm định cổ vật

Trang chủ / Tin Tức / Giải mã gốm Chu Đậu - Kỳ 9

Giải mã gốm Chu Đậu - Kỳ 9Like 0 262

Vì sao gốm Chu Đậu phát triển rực rỡ trong suốt hai thế kỷ 15, 16 và vì sao suy tàn đến tuyệt tích sau đó?

Những quốc gia phát hiện có gốm Chu Đậu trong lịch sử - bản đồ đang treo tại Bảo tàng Hải Dương - Ảnh: Thái Lộc
Những quốc gia phát hiện có gốm Chu Đậu trong lịch sử – bản đồ đang treo tại Bảo tàng Hải Dương.

Nối tiếp truyền thống rực rỡ

Gốm Chu Đậu có lẽ là duy nhất trong “bản đồ” gốm Việt Nam đạt được trình độ kỹ thuật, mỹ thuật tinh xảo vượt biển ra thị trường quốc tế. Những gì liên quan đến dòng gốm này đến nay vẫn thu hút giới nghiên cứu trong và ngoài nước.

Nhiều lập luận về sự phát triển rực rỡ gốm Chu Đậu đều xuất phát từ sự bế quan tỏa cảng đương thời của nhà Minh.

Ngược dòng lịch sử của Trung Quốc, giai đoạn đầu và giữa của triều đại này đã thực thi chính sách cấm biển và nghiêm cấm người dân ra nước ngoài.

Với chính sách “mậu dịch triều cống”, triều đình chỉ cho phép những tàu nước ngoài đến buôn bán kèm theo những vật dâng cống cho triều đình.

Triều đình lập ba cảng biển (ở Chiết Giang, Phúc Kiến và Quảng Đông) kèm bộ máy quản lý, lập danh sách tàu các nước được phép triều cống trong một khoảng thời gian được niêm yết rất cụ thể.

Gốm sứ Trung Quốc xuất khẩu theo đường biển sang phương Tây đang hồi hưng thịnh bị chặn dòng. Trước tình trạng “khát” gốm phương Đông của người phương Tây, các nhà buôn chuyển hướng sang các nước lân cận…

Những lò gốm vùng Hải Dương (và Thăng Long) đã nắm lấy thời cơ, đẩy gốm VN phát triển rực rỡ, chiếm lĩnh thị trường quốc tế.

TS Phạm Quốc Quân cho rằng: “Chính sách bế quan tỏa cảng của triều Minh đã gần như cắt đứt nguồn cung cấp gốm cho thế giới. Cơ hội này đã giúp gốm sứ các nước lân cận phát triển, trong đó có Việt Nam với gốm Chu Đậu vươn ra thế giới.

Những cuộc trục vớt tàu cổ ở Philippines, Thổ Nhĩ Kỳ và các bảo tàng khác trưng bày gốm Chu Đậu trước khi cuộc trục vớt và bán đấu giá tàu Cù Lao Chàm đã chứng minh điều đó”.

“Nội lực” đáp ứng yêu cầu rất cao của các đơn hàng đến từ phương Tây mà các lò gốm Việt Nam có được, ngoài đôi tay tài hoa của người nghệ nhân. Hầu hết nhà chuyên môn đồng quan điểm gốm Chu Đậu kế thừa hai bước nhảy, hay có thể gọi là hai cuộc cách mạng về gốm rất ấn tượng của người Việt trước đó.

Theo lý giải của TS Phạm Quốc Quân, giai đoạn cách mạng thứ nhất vào những thế kỷ đầu Công nguyên, bắt đầu từ truyền thống Đông Sơn, tiếp nhận công nghệ mới lẫn cách tổ chức sản xuất của người phương Bắc. Gốm Việt từ đó trở thành một sản phẩm hàng hóa; các trung tâm có thể kể như ở Thanh Hóa (Tam Thọ), Bắc Ninh (Luy Lâu), Vĩnh Phúc…

Giai đoạn cách mạng thứ hai mà giới nghiên cứu cho rằng là sự kết tinh tuyệt vời về công nghệ sản xuất gốm mà Chu Đậu sau này thừa hưởng. Bắt đầu từ cuối thời Bắc thuộc, khoảng thế kỷ thứ 9-10 và kéo dài cho đến thời Lý – Trần.

Người phương Bắc tràn sang trong tư thế đến để đồng hóa, để giải thể văn hóa bản địa. Nhưng, mạch ngầm của văn hóa người Việt vẫn chảy suốt ngàn năm.

Đến chiến thắng của nhà Ngô giành được quyền tự chủ và được nhà Lý chấn hưng ngay sau đó đã tạo nên một thời kỳ phục hưng, thành bước nhảy vọt ngoạn mục, bao gồm cả kỹ nghệ gốm sứ.

Thành tựu gốm giai đoạn này rất rực rỡ, nhất là gốm độc sắc (gốm nâu, gốm celadon và gốm trắng), đặc biệt nhất là dòng gốm hoa nâu của Việt Nam, không bị trộn lẫn với sản phẩm gốm của bất cứ quốc gia nào trên thế giới…

“Thứ nhất là bế quan tỏa cảng nhưng chỉ một phần. Điều quan trọng là phải có một cơ tầng đủ mạnh, đủ vững để tiếp nhận và phát triển.

Thứ đến là đội ngũ thợ thủ công người Việt, cả gốm sứ và nhiều ngành nghề khác rất khéo tay và lành nghề. Mặt khác, về vị trí địa kinh tế, VN nằm trên tuyến đường giao lưu thương mại quốc tế, trong đó có gốm sứ!” – TS Quân nhấn mạnh cơ tầng nền tảng cho gốm Chu Đậu phát triển rực rỡ.

Bộ sưu tập gốm Chu Đậu cổ trưng bày tại Bảo tàng Hải Dương - Ảnh: Thái Lộc
Bộ sưu tập gốm Chu Đậu cổ trưng bày tại Bảo tàng Hải Dương.

Rồi… tắt lịm

Mãi đến những năm 1980, câu chuyện về dòng gốm hoa lam sau đêm trường tuyệt tích bỗng “cất tiếng” trở lại từ lòng đất và lòng biển bằng nỗ lực của các nhà khảo cổ học.

Nhưng suốt nhiều năm qua, một câu hỏi lớn là vì sao đang phát triển rực rỡ như gốm Chu Đậu bỗng chốc lụi tàn như chưa từng tồn tại là rất kỳ lạ.

Không ai nhắc đến, cứ như thể một trận sóng thần cuốn trôi cả một thành phố xuống lòng biển vĩnh viễn, không một vết tích nào để lại.

Suốt hai thế kỷ hưng thịnh rực rỡ, vậy mà sau mấy trăm năm dâu bể, hậu duệ của những chủ lò, những người thợ tài ba đó chẳng biết lớp gốm thải dày mấy mét dưới móng nhà mình là cái gì và vì đâu mà có.

Nhiều cách lý giải đã được đưa ra gồm cả chiến tranh Trịnh – Mạc và sự mở cửa trở lại vào cuối thời Minh chính là trận “sóng thần” cuốn trôi dòng gốm này vào quên lãng.

Ông An Văn Mậu, phó giám đốc Bảo tàng Hải Dương, cho rằng việc truy quét của triều Lê – Trịnh đối với nhà Mạc đã làm ảnh hưởng lớn đến việc sản xuất gốm Chu Đậu.

Trong lịch sử, quê hương nhà Mạc thuộc vùng Hải Dương, về sau tách ra mới thuộc Kiến Thụy, Hải Phòng. Sự sa sút cho đến thế kỷ 17 của nhà nước phong kiến đã đẩy sự chống đối của những tổ chức nông dân lên đỉnh điểm.

Chính nhiều cuộc nổi dậy của phong trào nông dân do Nguyễn Hữu Cầu, Nguyễn Tuyển và Nguyễn Cừ lãnh đạo chống lại chính sách hà khắc của triều Lê và cuộc truy quét sau đó làm cho việc sản xuất gốm từ ngưng trệ đi đến xóa sổ hoàn toàn.

Nhà nghiên cứu Tăng Bá Hoành cũng đồng quan điểm gốm Chu Đậu “trôi theo nhà Mạc” bởi cuộc chiến tranh Trịnh – Mạc, và năm kết thúc nhà Mạc 1592 cũng chính là năm kết thúc của gốm Chu Đậu.

Dựa vào minh văn và một số kết quả khảo sát nghiên cứu, ông Hoành khẳng định không có hiện vật nào của gốm Chu Đậu vượt mốc “niên đại tuyệt đối” 1592 này.

Trong khi đó ở Huế, nhà nghiên cứu văn hóa Hồ Tấn Phan lại có kiến giải rằng do vẫn còn những điểm hạn chế về trình độ kỹ thuật, gốm Chu Đậu chưa thật sự đạt đến mức độ hoàn mỹ. Vì vậy, sự cạnh tranh trên thị trường cũng kém cạnh.

Lẽ ra khi người Trung Quốc mở cửa để dòng gốm của họ tái xuất khẩu ra thị trường thế giới thì gốm Chu Đậu tiếp tục cải tiến, duy trì sản xuất và chiếm một thị phần nhất định cho dù rất nhỏ đi chăng nữa. Nhưng ở đây vì nhiều hạn chế mà gốm Chu Đậu không đủ sức tạo một cơ hội nào cho chính mình cả.

Ngoài ra, còn một nguyên nhân khác quan trọng hơn, theo ông Phan, chính là những hạn chế rất lớn của tầng lớp cầm quyền xã hội đương thời, không nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề giao thương, đặc biệt là xuất khẩu.

Vì vậy, không những về mặt ngoại thương tàn lụi mà “nội thương” cũng tan biến, khi hàng loạt gốm sứ Trung Quốc tràn vào chiếm lĩnh thị trường trong nước.

Từ đây, ông Phan chỉ ra thói tật cố hữu của người Việt là sính dùng đồ ngoại, mà các triều đại sau càng thể hiện rõ.

“Cái gì cũng đặt từ Trung Quốc làm đưa về dùng, làm cho nền kinh tế trong nước kiệt quệ. Đây chính là bài học của hôm nay, kêu gọi người Việt dùng hàng Việt là đúng song không được buộc dùng bằng ý chí, mà phải làm sao hàng Việt phải đạt chất lượng về kỹ thuật, mỹ thuật và giá cả thì mới chấp nhận được!” – ông Phan nhận xét.

Lão Cổ Vậthttps://www.facebook.com/LaoCoVat/

Để lại Đánh giá

Email của bạn sẽ được giữ kín, các trường cần điền sẽ đánh dấu *

Đánh giá*

Họ tên *

Email *

Tin liên quan

Chọn bài viết hiển thị
Xác Định Giá Trị Của Đồ Cổ

laocovat

Thứ Hai, 12 Tháng Mười Hai 2022

Xác Định Giá Trị Của Đồ Cổ
Đồ độc bản là gì?

laocovat

Thứ Hai, 12 Tháng Mười Hai 2022

Đồ độc bản là gì?
Tranh chữ PHÚC cỡ lớn
Chỉnh sửa ảnh liên kết

Địa Chỉ Cửa Hàng Chúng Tôi

Hotline: 098.13.02468

Email: contact@laocovat.com

Địa chỉ: 146 Nghi Tàm - Tây Hồ - Hà Nội