Kiểu thức Phật đàn - Một báu vật quốc gia ở chùa Khám Lạng...Like 0 496
laocovat
Thứ Hai, 12 Tháng Mười Hai 2022
Hương án chùa Khám Lạng
Chùa Khám Lạng xã Khám Lạng huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang là một ngôi chùa cổ, nằm trong hệ thống chùa của Phật phái Trúc Lâm. Theo kết quả khảo sát của các nhà nghiên cứu tiền bối, ngoài các danh lam thuộc dãy núi Yên Tử (Đông Triều, Quảng Ninh) và một số di tích thuộc huyện Chí Linh ( Hải Dương) thì một vài ngôi chùa ở huyện Lục Ngạn ( Bắc Giang) cũng nằm trong quần thể di tích thắng cảnh gắn liền với trung tâm Phật phái Trúc Lâm, thời Trần1. Trong đợt xét duyệt công nhận Bảo vật quốc gia đợt IV năm 2015, hương án chùa Khám Lạng đã vinh dự cùng với 30 báu vật khác được trao danh hiệu di sản cao quí này. Nhân dịp này, người viết xin được trao đổi thêm về loại hình bệ đá hoa sen rất phổ biến thời Trần đã ảnh hưởng tới tạo tác hương án chùa Khám - thời Lê Sơ.Bệ đá hoa sen hình hộp rất phổ biến thời Trần là cách thường gọi lâu nay trong giới khảo cổ và mỹ thuật2. Những nghiên cứu lâu nay đã phần nào xác định được kiểu thức, công năng và niên đại của các bệ đá hoa sen này. Hương án đá chùa Khám Lạng cũng giống với bệ đá hoa sen chùa Hương Trai, chùa Bối Khê, chùa Long Khánh… là dạng bệ đá hình hộp chữ nhật. Theo nghiên cứu của Trần Thị Biển: kiểu dáng khối hộp chữ nhật, bố cục gồm ba phần chính: phần trên cùng (mặt bệ), phần giữa (thân bệ), phần dưới (chân bệ). Bệ đá hoa sen hình hộp thời Trần thường có kích thước như sau: “chiều rộng của mặt hộp bệ từ 1,1m đến 1,36m, chiều cao của riêng hộp bệ từ 0,98m đến 1,09m, chiều dài của bệ khoảng 2,2m đến 2,9m. Cấu tạo bệ thắt nhỏ ở giữa, do chiều cao kém chiều rộng không nhiều, nên mặt bệ vẫn có hình chữ nhật.”
Hương án chùa Khám LạngThông số kích thước của chiếc hương án chùa Khám Lạng là dài 3,12m, rộng 1,4m, cao 1,2m.Đặc điểm chung nổi bật nhất của kiểu thức hình hộp này là phần mặt bệ và phần chân bệ bao giờ cũng xuất hiện lớp cánh sen (thường là hai lớp). Chính vì dạng thức này mà chúng ta quen gọi là bệ đá hoa sen hay chi tiết hơn là bệ đá hoa sen hình hộp. Khảo về tên gọi, “có những tên gọi khác nhau để chỉ dạng bệ này: Chữ Phật Thạch Bàn (bàn đá thờ Phật, minh văn trên bệ ở chùa Bối Khê, Dương Liễu, Thắng Phúc, Hà Nội), chữ Kim Can (đến nay vẫn chưa có giải nghĩa, trên bệ chùa Long Khánh, Hưng Yên), chữ Bảo Tọa (theo văn bia Trần ở chùa Hưng Phúc, Thanh Hóa)3”. Trong lần khảo sát tại chùa Phổ Quang, Xuân Lũng, chúng tôi thấy minh văn có ghi là Phật thạch tọa vi Tam bảo. Hiện nay, trên bệ đá hoa sen này vẫn an tọa ba pho tượng tam thế. Minh văn cho biết bệ đá này được làm năm Xương Phù thứ 10 (1386). Cũng cùng niên đại thời Trần, trên bệ đá hoa sen ở chùa Hào Xá, lâu nay vẫn đặt khám thờ- bên trong có tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông.Trở lại với hương án chùa Khám Lạng, minh văn trên hương án:
được PGS.TS. Đinh Khắc Thuân dịch là Năm Nhâm Tí niên hiệu Thuận Thiên thứ 5 (1432). Lưu Câu chức Hạ phẩm người xã Khám và vợ là Đỗ Xú (công đức). Minh văn không nói tới chức năng của bệ đá hoa sen hình hộp này, và thực tế bệ đá đến nay cũng không có chức năng làm bệ tượng. Ngoài những tầng cánh hoa sen ở chân và mặt bệ đá, hầu hết các bệ Phật còn có hình ảnh chim thần Garuda đặt ở bốn góc trong tư thế nâng đỡ, gánh đội. Nhưng ở bệ đá hoa sen ở chùa Khám không có đồ án này. Từ đó có thể suy luận rằng, bệ đá này không phải là các Phật thạch tọa như thường thấy. Bên trong chùa Khám còn có một bệ tượng Phật khác có ghi rõ là
(Phật Tam Tôn). Bệ này làm năm 1494.
Họa tiết chạm rồng trên hương ánTrong hệ thống nghi khí Phật giáo có một dạng thức rất giống với bệ đá hoa sen hình hộp thời Trần. Đó chính là Phật đàn
: “Phật Đàn là tên gọi chung chỉ đàn tọa dùng an trí tượng Phật, và cũng là cơ đàn được dùng thờ cúng tượng Phật trong Phật đường, hoặc khám thờ Phật đặt trong Phật đường, giống Tu di đàn tự viện”4.Cũng theo Toàn tập giải thích Hình tượng hoa sen Phật Giáo quyển thượng Kim Cang Đỉnh Du Gia Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Tự Tại Bồ Tát Tu Hành Nghi Quỹ kinh viết: “Ở trên đỉnh của Diệu Cao Sơn, quán tưởng có Bát diệp đại Liên hoa, trên Liên hoa có bát đại Kim Cang trụ, thành lầu các báu. Trong đài hoa sen quán tưởng có chữ Ngật Lý, từ chữ phóng ra đại quang minh, biến chiếu nhất thiết Phật thế giới, tất cả các chúng sinh đang chịu khổ được hào quang chiếu đến đều được giải thoát.” Thạch đàn là nơi thực hiện các nghi lễ thờ phụng đức Phật. Trong lịch sử Phật giáo, ban đầu chưa có việc lập tượng thờ nhưng đã có các đàn thờ bằng đá. Phật đàn ngoài công năng đặt tượng Phật, khám thờ Phật, và các pháp khí Phật giáo khác như mõ, chuông khánh, bánh xe pháp luân.Khởi đầu từ các Phật động ở Ajanta, trên suốt con đường tơ lụa, các Phật động còn lại tới nay, như ở Qiu Ci (Tân Cương), Mạc Cao (Đôn Hoàng, Cam Túc), Long Môn (Lạc Dương, Hà Nam), Phật đàn bằng đá thường được đặt trang trọng ở chính giữa. Ở Nhật Bản, Phật đàn ở các chùa Kim Đường, chùa Dược Sư, chùa Đông Đại tự được cho là tiêu biểu nhật cho thạch đàn của Nhật Bản. Cũng xin nói thêm rằng ngoài chất liệu đá, Phật đàn bằng gỗ ở Nhật Bản cũng rất nổi tiếng và phát triển thành một kiểu thức riêng.
Một số kiểu thức Phật đàn ở Trung Quốc và Nhật BảnỞ Việt Nam, các Phật đàn kiểu thức Tu di đàn thịnh hành thời Lý, tiêu biểu nhất là tòa sen chùa Phật Tích, tòa sen tượng A Di Đà chùa Ngô Xá (Phi Lai tự). Phật đàn thời Trần kiểu bệ đá hoa sen hình hộp ít thấy hình thức đồ án núi non sóng nước, chuyển từ bệ bát giác sang tứ giác. Việc bệ đá hoa sen chùa Khám Lạng mặc dù không an tọa tượng Phật nhưng mang những đặc trưng tiêu biểu của kiểu thức Phật đàn cho thấy ảnh hưởng của nghệ thuật thời Trần vẫn lan tỏa tới thời Lê Sơ. Chúng ta thấy những đồ án rồng lưng võng yên ngựa rất đặc trưng cho mỹ thuật Lê Sơ, cùng với minh văn xác quyết niên đại chính xác của hương án chùa Khám Lạng. Nếu nhìn kỹ thêm, ta thấy rồng vẫn còn mào lửa, chưa bị thay bằng chiếc mũi to. Điều đó xác nhận ánh hào quang huy hoàng của nghệ thuật Đông A vẫn còn vương vấn ở nhiều chùa miếu thời Lê Sơ.
Tôn vinh hương án đá chùa Khám Lạng, trước hết là do đặc điểm nghệ thuật, giá trị lịch sử của niên đại tạo tác, sau đó sự ghi nhận tầm quan trọng của một hiện vật mang dấu ấn của Phật phái Trúc Lâm ở Bắc Giang giai đoạn Lê Sơ. Trong khuôn khổ bài viết có hạn, theo cách nghiên cứu loại hình Phật đàn, chúng tôi muốn định danh cho một pháp khí Phật giáo từng xuất hiện rất rực rỡ thời Trần. Việc đặt hương án chùa Khám trong một hệ thống pháp khí Phật giáo đã lưu hành từ xa xưa ở Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản cho thấy những ảnh hưởng rộng lớn của kiểu thức tạo tác Phật đàn.
Nguồn : Tạp Chí Mỹ Thuật
Tin liên quan
laocovat
Thứ Hai, 12 Tháng Mười Hai 2022
laocovat
Thứ Hai, 12 Tháng Mười Hai 2022
Địa Chỉ Cửa Hàng Chúng Tôi
Hotline: 098.13.02468
Email: contact@laocovat.com
Địa chỉ: 146 Nghi Tàm - Tây Hồ - Hà Nội