MÊ MẨN VỚI HÌNH TƯỢNG RỒNG - PHƯỢNG TRÊN BẢO VẬT TRIỀU...Like 0 153
laocovat
Thứ Hai, 12 Tháng Mười Hai 2022
Mê mẩn với hình ảnh rồng- phượng trên những bảo vật triều Nguyễn
Hơn 80 hiện vật quý, là bảo vật triều Nguyễn đã được trưng bày và giới thiệu đến công chúng xứ Huế cùng du khách trong nước và quốc tế khi đến tham quan khu Di sản Huế.
Sáng 7.9.2018, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam khai mạc triển lãm “Rồng- Phượng trên bảo vật triều Nguyễn” tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế. Triển lãm đã thu hút đông đảo công chúng, các nhà nghiên cứu và du khách đến tham quan.
Rồng và Phượng là những hình ảnh biểu trưng cho địa vị vương giả và sự quyền quý. Những vật dụng trang trí hình rồng, phượng không chỉ là những vật dụng phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt tinh thần hay cuộc sống vật chất, mà còn là những biểu tượng thể hiện danh phận, quyền uy và sự cao quý của người sử dụng. Hình ảnh rồng- phượng ở thời nhà Nguyễn được thể hiện phong phú, trên nhiều chất liệu, tinh xảo và mang giá trị văn hóa đặc trưng.
Bìa kim sách triều Nguyễn niên hiệu Thiệu Trị (năm 1845)
“Từ nghệ thuật truyền thống, linh vật rồng – phượng đã đi vào mỹ thuật cung đình, được tối ưu hóa để mang hình ảnh của quyền lực tối cao của vương quyền, nhưng đồng thời cũng là biểu trưng cho sự khai mở, cho khát vọng một xã hội thái bình, thịnh trị. Linh vật rồng – phượng của thời Nguyễn đã để lại một di sản đồ sộ về mặt tạo hình, là biểu tượng đa chiều của văn hóa Việt Nam”- TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế nhận định.
Hiện nay, các tác phẩm nghệ thuật gắn liền với hình tượng rồng- phượng ở thời triều Nguyễn vẫn được bảo tồn vô số, trong đó chủ yếu ở các chất liệu như: vàng bạc, ngọc, đồ đồng, đồ gỗ, gốm sứ, pháp lam, đồ dệt thêu, vôi vữa… Ngoài những bảo vật được trưng bày tại triển lãm lần này, thì hình ảnh rồng- phượng thời nhà Nguyễn cũng gắn liền với rất nhiều công trình kiến trúc thời Nguyễn, có thể kể đến như: hình tượng rồng thường được tạc thành khối riêng hoặc dạng phù điêu, trang trí hai bên bậc cấp lối đi, trên bình phong, trên bia đá quan trọng ở lăng tẩm, như bình phong lăng Thiên Thọ Hữu, lăng Hiếu Đông… Ở một số nơi như lăng Gia Long, lăng Khải Định, rồng chầu thành bậc được tạo tác với kích thước rất lớn nhưng đắp bằng vôi vữa, mắt rồng còn gắn bằng thủy tinh màu sinh động… Trên nóc mái của một số cung điện cũng có trang trí rồng, cung điện càng lớn thì kích thước rồng càng lớn, tiêu biểu là nóc mái Ngọ Môn, cổng chính của Hoàng thành và điện Thái Hòa…
Hay có thể dễ nhận thấy hình ảnh chim phượng được trang trí trên Cung Diên Thọ (cung của Thái hậu); hay hình ảnh từng đôi chim phượng trên bình phong của Cung Trường Sanh (cung của Thái hoàng Thái hậu), hình ảnh chim phượng ở bình phong lăng Khiêm Thọ (lăng hoàng hậu Lệ Thiên, vợ vua Tự Đức)… Phượng hoàng cũng xuất hiện nhiều có khi đơn lẻ, có khi chung trong bộ Tứ linh (Long- Phượng- Lân- Linh quy), trên các phù điêu trang trí tại các ô hộc, liên ba cổng, tường, mái của các cung điện dưới triều Nguyễn ở nhiều chất liệu như: gỗ, đá, mảnh sành sứ, đắp vôi vữa…
Ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam nói rằng: Hình tượng rồng không chỉ là biểu tượng cho một quyền lực, quyền uy của vương triều Nguyễn; mà còn là mơ ước của chúng ta về một Việt Nam là con rồng mạnh mẽ sẽ bay lên.
“Chúng tôi và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế sẽ tiếp tục đẩy mạnh để có những chương trình hợp tác, giới thiệu và quảng bá những giá trị di sản văn hóa Huế, báu vật của Huế đến công chúng. Không chỉ ở phát huy giá trị di sản Huế ở trong nước, chúng tôi cũng sẽ phối hợp để quảng bá ở nước ngoài. Đồng thời, cũng sẽ quảng bá những giá trị di sản văn hóa khác trong quá trình mở cõi đất nước của hơn 400 năm qua mà Trung tâm và Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế đang quản lý”- ông Nguyễn Văn Cường khẳng định.
Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam cũng cho biết: Hàng chục năm qua, với nhiều nguồn kinh phí của Bộ VHTTDL, bảo tàng cũng đã thực hiện nhiều cuộc khai quật các di tích cổ tại Huế. Gần đây nhất là phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế để khai quật Hải Vân Quan- một di tích quan trọng trong con đường Thiên lý Bắc- Nam. Qua đó, sẽ có những kế hoạch để bảo tồn, trùng tu và phát huy giá trị của di tích này. Triển lãm “Rồng- Phượng trên bảo vật triều Nguyễn”, với hơn 80 hiện vật đã được trưng bày theo 4 nội dung chủ đề: hiện vật biểu trưng quyền lực với các kim ấn, ngọc tỉ, bảo kiếm, kim sách, thẻ bài, mũ miện, hốt ngọc…; đồ thờ tự và nghi lễ như: đài thờ, đỉnh trầm, quả bồng, lục bình, chân đèn…; văn phòng tứ bảo, gồm: nghiên mực, quản bút, thủy trì, hộp son, gác bút, chặn giấy…; và đồ sinh hoạt là bát, đĩa, muôi, thìa, đồ ăn trầu, đồ uống trà, đồ uống rượu, quả hộp, quán tẩy, lồng ấp…
Sơn Thùy
Theo Báo Văn Hóa
Lão Cổ Vật sưu tầm.
Tin liên quan
Chọn bài viết hiển thị
Những phương pháp bảo quản cổ vật không phải ai cũng biết
laocovat
Thứ Hai, 12 Tháng Mười Hai 2022
NÉT ĐẸP CỦA ĐỒ GỐM SỨ TRONG HOÀNG CUNG THĂNG LONG - THE BEAUTY OF CERAMICS FROM THANG LONG IMPERIAL PALACES
laocovat
Thứ Hai, 12 Tháng Mười Hai 2022
Chỉnh sửa ảnh liên kết
Địa Chỉ Cửa Hàng Chúng Tôi
Hotline: 098.13.02468
Email: contact@laocovat.com
Địa chỉ: 146 Nghi Tàm - Tây Hồ - Hà Nội