Phong kiều dạ bạcLike 0 203
laocovat
Thứ Hai, 12 Tháng Mười Hai 2022
Phong Kiều Dạ Bạc, bài thơ Thiền tiêu biểu, được truyền tụng là « Ý Thiền, Lời Thiền, Cảnh Thiền, đưa đến bờ Giác Ngộ », gồm 4 câu 7 chữ như sau :
Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên
Cô Tô thành ngoại Hàn San Tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền
Trương Kế
Bản dịch sang chữ quốc ngữ nổi tiếng nhất là của Tản Đà :
Trăng tà tiếng quạ kêu sương
Lửa chài cây bãi sầu vương giấc hồ
Thuyền ai đậu bến Cô Tô
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San
Bài dịch này được coi như rất thi vị, mùi mẫn lâm ly, tả cảnh anh chàng Trương Kế xa nhà, thi trượt về quê, đi thuyền trong đêm tối, với sương phủ, quạ kêu, hàng phong xào xạc, đèn chài mờ ảo, nghe tiếng chuông chùa từ xa vọng lại thanh thoát, huyền bí siêu nhiên, khiến những con tim lãng mạn đọc qua không khỏi bồi hồi thổn thức, ngẩn ngơ mơ mộng, thậm chí có khi còn sụt sùi nhỏ lệ, như “em gái hậu phương” đọc thư “người anh tiền tuyến” !
Tuy nhiên, nếu cụ Tản Đà đã diễn tả thành công cái khía cạnh rất mực lãng mạn của một tình cảnh mà chúng ta dễ hình dung và thông cảm qua lời thơ điêu luyện của cụ, người đọc vẫn không khỏi thắc mắc : đâu là ý nghĩa Phật Giáo của bài thơ, đâu là luồng Thiền Khí mãnh liệt tiềm tàng trong bài thơ ấy, để nó luôn vẫn được truyền tụng như một bài thơ Thiền danh tiếng ?
Thật vậy, nếu bài Phong Kiều Dạ Bạc chỉ là một bài thơ tả cảnh tả tình thuần túy, với đêm đen sương phủ, vài tiếng quạ kêu, đôi cây cầu, dăm cây phong, với chú học trò thi trượt về quê sửa soạn nghe vợ (hay mẹ) xài xể, rồi đang lúc chán đời ngủ gục, lại nhè gặp anh thày chùa ba trợn nửa đêm hứng tình khua chuông inh ỏi, thì có thể tạm gọi là hay, chứ không có gì xuất sắc, không những không hơn mà sợ còn kém những Thu Điếu, Qua Đèo Ngang, Thăng Long Thành Hoài Cổ v.v… của Đại Nam ta rất xa !
Vì thế nên xin đề nghị phân tích sâu vào những vần thơ kia, để thử cảm nhận cái hương vị Thiền, cái căn nguyên Đạo Lý trong đó.
Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên … Dịch từng chữ là : quạ kêu, trăng lặn, sương đầy trời. Ta có thể tưởng tượng một đêm đen, với vầng trăng đã lặn, lại thêm sương phủ đầy trời … Tức là một cảnh tăm tối mờ mịt, khó mà nhìn thấy được cảnh vật chung quanh.
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên. “Sầu miên” là “buồn ngủ”. Trong cảnh trời tối đen như thế, lại thêm sương phủ mịt mờ, giương mắt nhìn còn khó thấy được gì, thế mà khách lại ngủ gục, thì cái sự “thấy” kia quả là hạn chế bội phần vậy. Ý gì ? Nếu không phải là vẽ lên cái cảnh huống Vô Minh của con người bập bềnh nổi trôi trên giòng đời mờ ảo ?
“Ngư hỏa” chỉ ánh đèn của người ngư phủ thấp thoáng nơi xa. Phải chăng đó là những ánh Đạo Quang chập chờn ẩn hiện trong cái tâm thức vô minh mê muội của mỗi người chúng ta ? Đôi khi đọc sách, tụng kinh, nghe giảng hay thiền quán, nhiều người trong chúng ta cũng có thấy hé lộ ra được chút chân lý, chút Đạo Quang, như thấy ánh lửa chài thấp thoáng kia. Nhưng, liền sau đó, tâm hồn lại chìm trở vào giấc ngủ vô minh, như khách đi thuyền gật gù mê ngủ, bập bềnh trôi theo giòng nước.
“Giang phong” thường được hiểu là “hàng phong bên sông”. Tuy nhiên, khách du lịch ngày nay có khi được nghe người hướng dẫn giảng rằng ở chỗ ấy ngày xưa có hai cay cầu : Phong Kiều và Giang Kiều, khiến cách hiểu “hàng phong bên sông” có phần bị nghi ngờ .
Thế còn tiếng quạ kêu ảm đạm giữa đêm đen ? Để quân bình với ý nghĩa “Đạo Quang” của “đèn chài”, tiếng quạ kêu có thể tương ứng với tiếng gọi của ác nghiệp. Trong truyền thống dân gian, quạ thường được gắn liền với tội lỗi. Tiếng quạ kêu ít khi nào báo hiệu chuyện tốt lành …
Đến đây, chỉ với hai câu mười bốn chữ, bối cảnh của bài thơ đã được vẽ lên, không những một cách thi vị lãng mạn, mà cũng vô cùng đầy đủ, chính xác, với những tương ứng khéo léo giữa Tâm và Cảnh. Quả thực Tâm là Cảnh, Cảnh là Tâm. Ngoài Tâm không có Cảnh, mọi Cảnh đều ở trong Tâm, thuyết “Duy Tâm tuyệt đối” thường được gán cho Phật Giáo chính là như vậy.
Trong bối cảnh tối tăm, Vô Minh ấy, chuyện gì xảy ra ?
Chuyện đó chính là :
Dạ bán chung thanh : Nửa đêm chợt có tiếng chuông vang lên .
Để rồi :
Đáo khách thuyền : Khách nghe tiếng chuông, giựt mình tỉnh ngủ, thấy thuyền mình đã đến bến tự bao giờ rồi !
Thì ra không phải tiếng chuông chạy hì hục từ Chùa Hàn San mò đến bến Phong Kiều để chui vào tai của khách, mà tiếng chuông chùa vang lên (chung thanh), làm khách giựt mình tỉnh giấc. Thấy : đã đến bến ! (đáo khách thuyền !)
Nếu khách chi lè phè ngồi nghe tiêng chuông mò đến thuyền mình như nhiều người thường hiểu nhóm chữ “chung thanh đáo khách thuyền”, thì bài thơ không những không nêu rõ đuoc cái ý nghĩa Phật Giáo của nó, mà nói cho cùng cũng chẳng có gì đặc sắc. Đàng này, vì tiếng chuông mà khách giựt mình tỉnh ngủ, thấy đã đến bến, đó là GIÁC NGỘ, là xé bỏ tấm màn Vô Minh, là mở Huệ Nhãn soi thấu thực tướng của sự vật, phá tan tấm màn u mê tam tối quanh mình, cùng với sự thiếu ý thức nơi mình.
Khách đã đến bến từ lâu, nhưng không biết, không thấy, vì bị tấm màn Vô Minh che lấp, vì đêm đen sương phủ còn thêm buồn ngủ, thiếu ý thức…Một tiếng chuông vang lên, như một lời nói, một cảnh ngộ, một câu kinh, một “công án” v.v… nếu thuận duyên thì có khả năng làm cho người tỉnh giấc, thoát khỏi Vô Minh, phóng một cái nhìn mới, một cái nhìn sáng suốt đầy ý thức quanh mình, để nhận thấy : ta đã đến bến tự lúc nào rồi !
Thật vậy, ta không thành Phật, mà Phật vốn vẫn là ta, ta là tất cả, tất cả ở nơi ta ! “Vạn vật giai bị ư ngã”, nhà Nho cũng nói thế ! Nếu chiêm nghiệm việc Đức Ky Tô bảo con người vốn vẫn làm một với Ngài, trong khi Ngài làm một với Thiên Chúa, mà Thiên Chúa lại là tất cả, thì có thể thấy Ky Tô Giáo chung quy cũng không đứng ngoài nền móng “nhất quán” này vậy.
Theo ý nghĩa “trong giây lát giựt mình tỉnh giấc”, bài thơ này được xếp trong khuynh hướng Thiền “Đốn Ngộ”, tức cho rằng sự giác ngộ đến một cách đột ngột trong một số điều kiện nào đó. Đối lại với “đốn ngộ” là quan niệm “tiệm giác”, cho là phải kiên nhẫn chùi rửa cái Tâm của mình hàng ngày, hàng phút, hàng giây, năm này qua tháng nọ, để cho nó dần dần được trở nên trong sáng.
Thật ra, hai quan điểm nay không đối nghịch, mà hài hòa với nhau. Sự giác ngộ tuy đến đột ngột, nhưng, như đã nói, sự đột biến ấy lệ thuộc vào một số điều kiện, mà một phần quan trọng của những điều kiện này lại được đem đến bởi sự tu hành luyện tập. Vì thế người xưa mới nói rằng “lý tuy đốn ngộ, sự vẫn tiệm tu” …
Phân tích bài thơ như thế có chủ quan lắm không ? Nhiều đấng huynh trưởng rất tinh thông Hán tự đã tỏ ý nghi ngờ. Một thắc mắc thường được nêu lên nhất là nếu nhà thơ Trương Kế đã đạt đến giác ngộ vào lúc làm bài thơ này thì tại sao sau đó không xuống tóc đi tu mà vẫn còn lặn hụp trong biển ô trọc thế gian, vẫn bon chen trên con đường hoạn lộ, sau này làm đến Tự Bộ Viên Ngoại Lang ?
Có thể ông chỉ mô tả sự giác ngộ chứ chưa chứng thực được nó ? Hoặc giả ông đã thoáng thấy một tia sáng chân lý lóe lên rồi chợt tắt, đã bước được vào một cảnh giới tâm linh để rồi, như nhiều người trong chúng ta, lại bị cuộc sống kéo lôi vào hư vọng ?
Cũng có thể cho rằng sự giác ngộ hoàn toàn không bắt buộc phải từ bỏ con đường đang đi, công việc đang làm, mà ngược lại khiến người ta có hiệu năng cao hơn trên con đường ấy, có những cảm nghiệm chính xác hơn về công việc kia. Nói cách khác, trong mọi công việc, mọi cảnh huống, người đã đạt đến một trình độ tâm linh nào đó sẽ dễ có được những hành động thích hợp, lời nói thích hợp, cố gắng thích hợp, suy nghĩ thích hợp v.v… hơn những người khác. Chúng ta có thí dụ của những nhân vật lỗi lạc đời Trần, vẫn làm chính trị, vẫn cầm gươm diệt giặc, mà cũng vẫn tu tập hành đạo. Hành đạo không chỉ là tụng kinh gõ mõ hay xếp bằng thiền quán, mà chính là sống thực, sống trọn vẹn mỗi động tác, mỗi lời nói, trong mọi công việc. Đó cũng là thuận theo những duyên nghiệp mà cuộc sống đã phó thác cho chúng ta. Đạo là tất cả. Hành đạo có thể là làm bất cứ gì. Vấn đề nằm ở chỗ ý thức trọn vẹn cái bản chất của sự việc mình làm, thay vì bị kéo lôi trong mù quáng, ảo vọng.
Trương Kế ứng với trường hợp nào ? Chúng ta chỉ có thể thắc mắc chứ có lẽ không bao giờ có câu trả lời.
Trong cố gắng tìm hiểu bài thơ này, tôi đã được chỉ cho xem sách “Đường Thi Tam Bá Thủ” của nhà xuất bản Minh Lượng, Hương Cảng. Tác giả sách này cho rằng tài thơ của Trương Kế rất cao, nhưng hậu thế quá tầm thường nên đã phụ cái tài ấy. Một tài liệu khác là sách “Thiên Gia Thi”, của Học Lâm Thư Điếm, Cửu Long, Hương Cảng, xuất bản. Sách này viết rõ như sau :
“Hốt văn Hàn San chung thanh dạ bán nhi minh, bất giác khởi thị khách thuyền dĩ chí Cô Tô thành ngoại chi Phong Kiều hỹ”.
Nghĩa là :
“Thình lình nghe tiếng chuông chùa Hàn San giữa đêm gióng lên, nên bất giác nhìn ra thấy thuyền khách đã đến bến Phong Kiều ở ngoài thành Cô Tô”.
Thật ra, theo tôi, khi đọc thơ, vấn đề “hiểu đúng” hay “hiểu sai” không quan trọng. Điều quan trọng là bài thơ gợi lên được những cảm tưởng gì trong tâm hồn ta ? Nếu người làm thơ thật sự muốn nói lên những điều chính sác, muốn ta phải hiểu “cho đúng”, thì ông ta đã sử dụng thể văn xuôi, đã khai triển vấn đề một cách rõ ràng minh bạch, giải thích đâu vào đó, “rằng thì mà là” hẳn hoi. Chức năng của thơ không phải vậy.
Thơ, đặc biệt là loại thơ súc tích như thơ Tứ Tuyệt, nhằm gợi lên những cảm xúc chủ quan nơi người đọc. Nói cách khác, những bài thơ loại này khơi động những “thảo trình” đã được cài sẵn trong tâm hồn ta, có khi đã bị ta quên mất từ lâu, bao gồm những âm thanh, hình ảnh, và tư tưởng triền miên…
Vì thế, mỗi khi bình luận một bài thơ, tôi muốn chia sẻ với bạn đọc những gì bài thơ ấy gợi lên nơi tôi, một cách thành thật. Nay, nếu lại vì sợ oai học giả này hay “học thiệt” khác mà tôi phải nói khác đi với những gì tôi tâm tưởng thực sự qua bài thơ kia, thì hóa ra là tôi nói dối bạn đọc của tôi hay sao ?
Tuy nhiên, cũng phải công nhận rằng sự phân tích văn chương bằng cách thâu lượm những ý kiến đó đây, những dữ kiện khách quan cũng như chủ quan từ nơi này chốn nọ, là một công việc có tính cách trí thức, khoa học, rất cần phải có. Tuy nhiên, ta cũng có thể đi vào một tác phẩm văn chương một cách khác, trực tiếp hơn, bằng sự hòa mình vào tác phẩm, vào tác giả, vào tổng thể “tác giả – tác phẩm”, làm một với tổng thể ấy, để rồi buông thả lặng lẽ quan sát xem những ý niệm gì, những cảm giác gì sẽ TỰ NHIÊN nảy sanh ra trong tâm hồn ta. Những ý niệm ấy không những được sanh ra trong cái thế giới nội tâm của ta, mà, như những đứa trẻ, chúng còn có thể trưởng thành, lớn khôn, thậm chí hướng đến Chân Thiện Mỹ, đến Đạo, hay ngược lại, suy thoái, hoại diệt, đi vào quên lãng …
Trương Kế nói “nửa đêm chuông đổ”, cần gì phải thắc mắc vì duyên cớ gì mà có ông sư đến nửa đêm còn khua chuông ầm ĩ ? Bày ra làm chi những chuyện sư cụ rặn thơ không ra, phải nhờ chú tiểu giúp sức, đến khi làm được bốn câu tàm tạm, bèn hè nhau đập chuông inh ỏi tạ ơn Phật ! Ích gì những chuyện vớ vẩn ấy ? Phật cũng phải rầu !
Chi bằng cứ tự để mình là khách ngồi thuyền ngủ gục trong đêm đen, để khi nghe tiếng chuông chùa vang lên (có thực hay trong mơ, không quan trọng), cũng giựt mình tỉnh giấc như khách, cũng nhìn ra xem thuyền đang ở đâu, và nhất là cùng với khách cũng thấy dâng lên trong tâm hồn mình một cái gì đó mãnh liệt đến độ cần phải ghi lại thành một bài thơ …
Người xưa nói “văn dĩ tải Đạo” có lẽ không phải là “Văn chở Đạo”, như chở một thực thể bên ngoài đem đến gõ cửa giao tận nhà cho người đọc. Văn, và đặc biệt là thơ, “tải” một sự gợi ý, một cảnh ngộ, một “nhân duyên”, để người đọc “làm chạy” những thảo trình cài sẵn trong miền sâu thẳm của tâm thức mình đã tự muôn đời, để rồi quay trở về với chính mình, với cái TÂM THẬT của mình, cái TÂM chung của Vạn Hữu …
Tin liên quan
laocovat
Thứ Hai, 12 Tháng Mười Hai 2022
laocovat
Thứ Hai, 12 Tháng Mười Hai 2022
Địa Chỉ Cửa Hàng Chúng Tôi
Hotline: 098.13.02468
Email: contact@laocovat.com
Địa chỉ: 146 Nghi Tàm - Tây Hồ - Hà Nội