Phong vị chén trà Huế xưaLike 0 446
laocovat
Thứ Hai, 12 Tháng Mười Hai 2022
Với người Huế, uống trà là một nghệ thuật giàu trí tuệ. Người ta đánh giá tính cách, quan niệm sống, trình độ và nhận thức thẩm mỹ cũng như tâm trạng, tình cảm của con người qua việc uống trà. Uống trà không chỉ thưởng thức hương vị của nó mà họ còn lưu tâm đến nội dung cuộc mạn trà và nét đẹp các kiểu dáng, họa tiết trang trí trên đồ trà và phong cách trang trí trà thất.
Người thưởng trà lưu tâm kỹ họa tiết trên đồ trà.
Uống trà kiểu Huế biểu hiện lối ứng xử, giao tiếp ân tình giữa người với người. Người Huế uống trà trong trà thất nho nhã, trong phòng khách hay giữa vườn cây. Trà chủ có thể vừa cầm chén trà, vừa mời khách đi dạo trong vườn ngắm cảnh, vịnh thơ hay ngâm nga đôi câu thơ mà họ tâm đắc. Một cuộc trà là dịp gặp gỡ để đàm đạo văn chương, luận bàn thế sự, hàn huyên tâm sự.
Uống trà Huế luôn có kèm theo một số món ăn nhẹ, như bánh in, mứt gừng, mè xửng, kẹo đậu phụng, mạch nha,… Vị đắng của trà và vị ngọt của đường tạo nên hượng vị cân bằng và đậm đà hơn. Con gái Huế vốn khéo tay trong nghệ thuật làm mứt bánh nên mời khách dùng trà với các sản phẩm do họ làm ra, không chỉ bày tỏ lòng mến khách mà còn để ngầm kiêu hãnh sự khéo tay của con gái Huế.
Thưởng trà và bánh.
Tầng lớp quý tộc ở Huế uống trà cầu kỳ và lắm công phu. Họ tạo ra những nghi thức rườm rà và tuân thủ nghiêm ngặt. Một cuộc trà đúng hiệu phải hội đủ các yếu tố: phòng trà, đồ trà, trà và nước, tuần trà và thời gian uống trà.
Phòng trà: giới tao nhân mặc khách thường thưởng trà trong trà thất trang nhã. Đó là không gian yên tĩnh, trang trọng. Trên tường thường có vài bức tranh, bài thơ chữ Hán, vài câu đối, câu liễn. Ngay giữa trà thất được trải chiếu và kê tràng kỷ, cạnh bên đặt chậu hoa. Thưởng trà cũng có thể diễn ra trong vườn, có bàn đá để ngồi thưởng thức.
Không gian Trà thất Di Nhiên. Ảnh: Di Nhiên
Đồ trà: dụng cụ cần thiết cho một cuộc trà bao gồm hỏa lò, siêu nấu nước, hũ đựng nước lạnh, ấm trà và bộ đồ trà hoàn chỉnh có đủ bốn món: dầm (dĩa bàn nhỏ đựng chén tống), bàn (dĩa đựng những chén quân), tống (còn gọi là chén tướng, là loại chén lớn để chuyên trà), tốt (hay gọi là quân, chén nhỏ để uống), chiếc ấm đất, hũ đựng trà, than củi, trầm hương.
Vua quan nhà Nguyễn đã sai người sang Trung Quốc đặt làm những bộ đồ trà nổi tiếng bằng men sứ lam như bộ đồ trà “Giáp Tý niên chế” do Trịnh Hoài Đức mang về năm 1804, đồ trà “Tự Đức niên chế”,… Và trong cái thú uống trà còn có cái thú chiêm ngưỡng vẻ đẹp nét bút tài hoa tên ấm chén, bình thơ văn và nghiền ngẫm sự tích lưu lại. Vậy mới nói cái chuyện “trà dư, tửu hậu” cũng lắm công phu và cầu kỳ. Ở Huế có bộ đồ trà nổi tiếng, đó là đồ trà Mai Hạc. Bộ đồ uống trà làm bằng sứ men lam, có vẽ hình con chim hạc đứng bên gốc mai già và hai câu thơ của Nguyễn Du:
“Nghêu ngao vui thú yên hàMai là bạn cũ, hạc là người quen”
Đồ trà Mai Hạc.
Trà và nước pha trà: ngày trước, trà và nước để pha cũng lắm công phu, quý tộc, quan lại thường sai gia nhân chèo thuyền trên hồ Tịnh Tâm, mang trà bỏ vào những nụ sen rồi lấy dây buộc lại. Sáng sớm hôm sau, gia nhân chèo thuyền đến để lấy trà. Vua chúa nhà Nguyễn còn sai kẻ hầu chèo thuyền trên các hồ sen lúc sớm để hứng các giọt sương đêm còn đọng trên lá đem về đun sôi chế trà, hay lấy những nước trong những mạch đá ngầm trên núi cao.
Ngày xưa, thị nữ thường chèo thuyền ở hồ sen trong Hoàng cung để bỏ trà vào nụ sen và hứng sương đọng trên lá. Ảnh: Trung Thành
Tuần trà: bước vào cuộc trà, chủ nhân ngồi về bên phải để tiện việc pha trà và khách được xếp ngồi ở bên trái. Người xưa có nhiều cách uống trà: uống một người gọi là U (trầm mặc), uống hai người gọi là Thắng (vui tươi), uống ba người gọi là Thích (thích thú), uống bốn người gọi là tứ (ban bân). Thời gian uống trà không cố định, thường là sáng sớm hoặc chiều.
Uống trà là thú vui thanh đạm mà cầu kỳ của người Huế xưa. Không đơn thuần là uống trà, mà đó còn là nghệ thuật, là văn hóa thưởng trà. Nó có truyền thống lâu đời và được nhiều danh nhân, thi sĩ ca ngợi:
“Làm trai biết đánh tổ tômUống trà kiểu Huế, ngâm nôm Thúy Kiều”
Lão Cổ Vật Sưu tầm
Xem thêm :
Tin liên quan
laocovat
Thứ Hai, 12 Tháng Mười Hai 2022
laocovat
Thứ Hai, 12 Tháng Mười Hai 2022
Địa Chỉ Cửa Hàng Chúng Tôi
Hotline: 098.13.02468
Email: contact@laocovat.com
Địa chỉ: 146 Nghi Tàm - Tây Hồ - Hà Nội