TRỒNG ĐỒNG VĂN LANG CỦA NHÁNH LẠC VIỆT, TRỐNG MIẾU MÔN ILike 0 247
laocovat
Thứ Hai, 12 Tháng Mười Hai 2022
Trống đồng nòng nọc, âm dương là bộ sử đồng của Đại Tộc Việt. Ta đã biết trống đồng là trống biểu của ngành nọc, trống (đực) mặt trời ứng với ngành nọc Việt mặt trời, là trống biểu của Hùng Vương, vua mặt trời. Trong các bài trước ta đã biết:
.Trống Quảng Xương là một chương sử đồng viết về Bách Việt, Người Mặt Trời rạng ngời, con cháu của Hùng Vương, Vua Mặt Trời.
Bách Việt, Người Mặt Trời rạng ngời trên trống Quảng Xương
Đại Tộc Việt gồm có hai ngành: ngành lửa, chim Việt mỏ cắt Viêm Đế (cõi tạo hóa)-Đế Minh (cõi thái dương hệ)-Kì Dương Vương (thế gian) theo mẹ lên núi:
Người chim ngành lửa Mẹ Tổ Âu Cơ dòng chim mỏ cắt, chim Việt gồm Viêm Đế (cõi tạo hóa )- Đế Minh (cõi thái dương hệ )- Kì Dương Vương (thế gian), Âu Cơ núi.
và ngành nước, rắn Việt Thần Nông (tạo hóa) – Đế Lạc ( cõi thái dương hệ, tương đương với Đế Minh) – Lạc Long Quân (thế gian) theo cha xuống biển.
Người rắn ngành nước Lạc Long Quân dòng rắn, cá sấu dao, sấu Việt gồm Thần Nông thái dương (cõi tạo hóa)- Đế Lạc (cõi thái dương hệ) – Lạc Long Quân (thế gian), biển.
.Về ngành nước qua nhóm trống cóc/ếch có mặt trời 12 nọc tia sáng, ta đã thấy rõ một khuôn mặt sấm mưa Chấn/Cấn ứng với Lạc Long Quân có một khuôn mặt thần sấm có “nhà” ở đầu non Âu Cơ của Đại Tộc Lạc Việt ở cõi tạo hóa, sinh tạo và cõi trời thế gian (thái dương hệ). Ta cũng đã thấy rất rõ một khuôn mặt tiêu biểu của ngành nước Thần Nông – Đế Lạc – Lạc-Long Quân này qua trống Giao Việt Hòa Bình.
.Trống Kì Việt Phú Xuyên cho thấy rõ một khuôn mặt thế gian tiêu biểu của ngành lửa Viêm Đế – Đế Minh là Kì Dương Vương.
Trống Miếu Môn I này sẽ cho thấy một khuôn mặt lưỡng hợp thiếu dương và thiếu âm của hai ngành nọc dương và nọc âm của ngành nọc mặt trời thái dương ở cõi thế gian tức tiểu vũ trụ. Đối chiếu với truyền thuyết và cổ sử Việt đây là sự lưỡng hợp của hại nhánh Lang (nọc dương) Nọc Âu Cơ và Nòng Lạc Long Quân tức là một khuôn mặt của liên bang Văn Lang của Hùng Vương.
Trống Miếu Môn I (nguồn: Phạm Huy Thông và các cộng tác viên).
Tổng quát
Trống Trống Miếu Môn I tìm thấy ở Miếu Môn, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Sơn Bình năm 1961.
.Các vành ở biên trống mang tính âm thái dương.
Sự hiện diện ở biên trống của hai vành nọc mũi tên (mũi mác, răng cưa, răng sói) mang nghĩa thái dương kẹp giữa một vành hai vòng tròn đồng tâm có chấm nọc dương có nghĩa là nước dương, lửa nước, Chấn cho biết trống thuộc ngành mặt trời Nước, Chấn thái dương [trong khi ở trống Phú Xuyên ở biên trống có hai vành nọc mũi tên (mũi mác, răng cưa, răng sói) thái dương kẹp giữa hai vành chấm nọc, lửa, mặt trời thái dương sinh tạo (có Li đội lốt mặt trời Càn thế gian thái dương mang tính chủ)].
Xin nhắc lại các vành ngoài biên trống cho biết trống thuộc ngành, đại tộc, tộc nào.
.Trống có cả hai yếu tố nòng nọc, âm dương.
Trên mặt trống ngoài các yếu tố dương như các vành nọc mũi tên (mũi mác, răng cưa, răng sói), các vành giới hạn có chấm nọc còn có các yếu tố âm như vỏ không gian hay vỏ Trứng Vũ Trụ rất dầy, đậm nét mang âm tính nghiêng về phía thái âm nước.
Ở vùng đất thế gian và ngoài biên trống có sự hiện diện của hai vành hai vòng tròn đồng tâm có chấm nọc dương có nghĩa là nước dương, lửa nước, Chấn.
Như thế trống này là trống biểu của hai nhánh nòng nọc, âm dương, có một dạng lưỡng hợp nòng nọc, âm dương của ngành Mặt Trời Nước, Chấn thái dương.
.Điểm đặc biệt cần chú ý NHẤT là trống này có vành chủ yếu nằm gần sát mặt trời là vành thú bốn chân có hai loại thú khác nhau, trong khi ở trống Hòa Bình và trống Phú Xuyên vành chủ yếu chỉ có một loài thú là Sấu Việt và Hươu Việt. Sự hiện diện của hai loài thú bốn chân cho thấy trống có hai khuôn mặt của hai ngành, hai đại tộc hay hai tộc khác nhau. Vì nằm cùng một vành trên trống đống nòng nọc, âm dương thì hai loài thú này phải có một khuôn mặt lưỡng hợp nòng nọc, âm dương. Trống này là trống thế gian (mặt trời có số nọc tia sáng lơn hơn 7) và hai con thú có bốn chân sống trên mặt đất thế gian nên lưỡng hợp nòng nọc, âm dương của hai loài thú này là dạng lưỡng hợp thế gian tức ở cõi tiểu vũ trụ, nói một cách khác là dạng lưỡng hợp thiếu dương Li lửa thế gian với thiếu âm Đoài bầu trời thế gian (lưỡng hợp dạng thiếu ở tiểu vũ trụ).
Đối chiếu với truyền thuyết và cổ sử Việt, đây là dạng lưỡng hợp thế gian của lưỡng hợp Chim-Rắn, Tiên Rồng của hai nhánh lửa, núi và nước, biển của trăm Lang Hùng Vương thế gian. Như thế ta thấy ngay trống có một khuôn mặt là trống liên bang Văn Lang của Hùng Vương.
Xin xem chương Văn Lang trong Khai Quật Kho Tàng Cổ Sử Hừng Việt. Chỉ xin nhắc lại Văn Lang cũng như các tên cổ sử khác như họ Hồng Bàng, Hùng Vương, Kì Dương Vương, Lạc Long Quân… đều phải nhìn dưới mọi góc cạnh trọn vẹn của cốt lõi văn hóa Bách Việt là Vũ Trụ Tạo Sinh, Vũ Trụ giáo, Việt Dịch nòng nọc dựa trên lưỡng hợp Chim-Rắn, Tiên Rồng. Dưới lăng kính lưỡng hợp nòng nọc, âm dương, Văn Lang có một nghĩa là liên bang của hai nhánh nòng nọc, âm dương Chim-Rắn, Tiên Rồng của trăm Lang Hùng, của Hùng Vương (tức phía con trai, mặt trời nọc thái dương), nghĩa là lưỡng hợp thế gian thiếu dương (OI) của phía dương Lang (I) tức IOI, Li với thiếu âm (IO) của phía dương Lang (I) tức IIO, Đoài. Văn Lang là một liên bang có một khuôn mặt lưỡng hợp của thiếu dương Văn và thiếu âm Lang.
.Một trong hai loài thú bốn chân đã thể điệu hóa, đã bắt đầu thần thoại hóa không còn ở dạng thiên nhiên (naturalistic) nữa, cho thấy trống đã hơi muộn và ta phải giải đọc các yếu tố trên trồng theo tính cách thể điệu hóa nghĩa là nghiêng nặng về phía ý nghĩa biểu tượng.
Trống Miếu Môn I có mặt trời 14 nọc tia sáng thuộc nhóm mặt trời có số nọc tia sáng là số Tốn (6, 14, 22…). Như đã nói ở trên trống này có khuôn mặt lưỡng hợp nên Tốn hôn phối với hai khuôn mặt dương của hai ngành nòng nọc, âm dương. Hai khuôn mặt này là hai khuôn mặt nào?
Qua ttrống Phú Xuyên có mặt trời 14 nọc tia sáng ta đã biết Tốn hôn phối với Càn. Kiểm chứng với Dịch sách thấy sự hôn phối này trong Hậu Thiên Bát Quái:
Sự hôn phối Tốn OII với Càn III là sự hôn phối tương đồng bản thể Lửa (II) ngành nọc dương. Tốn OII là Nàng O Lửa II hôn phối với Càn là Chàng I Lửa II.
Đối chiếu với truyền thuyết và cổ sử Ai Cập ta thấy thần Set có một khuôn mặt Càn hôn phối với Nephthys có nột khuôn mặt Tốn (Nephthys là chị em sinh đôi với Isis. Isis mang hình bóng của Mẹ Tổ Âu Cơ có một khuôn mặt Tốn) (Sự Tương Đồng Giữa Cổ Việt và Ai Cập Cổ) .
Ở trống thế gian Miếu Môn I này Tốn thế gian 14 hôn phối với Càn thế gian tức là Li. Sự hôn phối Tốn OII với Li này cũng thấy rất rõ trong truyền thuyết Ai Cập cổ là nữ thần bầu trời Nut (goddess of Sky) có một khuôn mặt Tốn lấy Thần Đất Keb (God of Earth), Li phía ngành nọc, dương (Sự Tương Đồng Giữa Cổ Việt và Ai Cập Cổ).
Và qua nhóm trống cóc/ếch Chấn/Cấn có mặt trời 12 nọc tia sáng ta có Đoài hôn phối với Tốn. Kiểm chứng với Dịch sách ta cũng thấy Đoài hôn phối với Tốn ở lá bùa trừ tà của dân gian Việt Nam (dùng trừ tà vì Dịch có một khuôn mặt Chấn Sấm có búa thiên lôi trừ được ma quỉ).
Sự hôn phối Tốn OII với Đoài IIO này cũng thấy rất rõ trong truyền thuyết Ai Cập cổ là nữ thần lửa Tefnut (goddess of Fire), Tốn lấy Thần Khí Gió Shu (God of Air), Đoài phía ngành nòng, âm (Sự Tương Đồng Giữa Cổ Việt và Ai Cập Cổ).
Lưu Ý
Xin lưu tâm là Tốn OII nhìn theo những diện nòng nọc, âm dương khác nhau của Dịch có hai khuôn mặt nòng nọc, âm dương khác nhau. Theo duy dương phía mặt trời, Tốn OII là Nàng O Lửa II hay mặt trời âm, nữ đĩa tròn không có tia sáng O thái dương II giống như Âu Cơ có một khuôn mặt Tốn OII, Nàng Lửa, Thái Dương Thần Nữ. Theo duy âm phía nòng không gian Tốn là không Gian O Lửa II tức Khôn dương, khí gió ngành nòng âm. Với khuôn mặt âm bầu khí gió này mà Mẹ Tổ Âu Cơ đội lốt bầu vũ trụ, bọc Trứng Vũ Trụ mà sinh ra bọc trứng thế gian trăm Lang Hùng.
Điều này giải thích tại sao Tốn là lưỡng hợp với Li/ Càn ngành nọc dương và với Đoài/Chấn ngành nòng âm.
Xin hãy dùng Việt Dịch đồng Đông Sơn giải thích cổ sử Ai Cập cổ.
Như thế trăm phần, trăm trống Miếu Môn I có mặt trời 14 nọc tia sáng Tốn có khuôn mặt lưỡng hợp là Càn thế gian (tức Li)/Tốn và Đoài/Tốn tức diễn tả lưỡng hợp thế gian tiểu vũ trụ thiếu đương Li với thiếu âm Đoài.
Đối chiếu với truyền thuyết và cổ sử Việt, Tốn (OII) là khuôn mặt Nàng (O), Lửa (II), Thái dương thần nữ Âu Cơ ngành Lửa đất (Núi dương, núi lửa) Li, Lửa thế gian Kì Dương Vương (cả hai đều có biểu là con hươu đực và cái). Do đó khuôn mặt Càn thế gian/Li/Tốn của trống Miếu Môn I ứng với phía Núi Âu Cơ tức Đế của Viêm Đế. Trong khi khuôn mặt Đoài/Tốn có Đoài (IIO) là Chàng (I) gió thiếu âm (IO), là Khôn dương Nông của phía nòng Khôn Thần Nông ứng với Lạc Long Quân. Rõ ràng trống Miếu Môn I mang một ý nghĩa biểu tượng cho lưỡng hợp hai nhánh Âu Cơ-Lạc Long Quân của Hùng Vương tức có một khuôn mặt liên bang Văn Lang. Trống này có một khuôn mặt là trống Nông-Đế (Nông viết trước Đế vì các vành ngoại biên cho biết phía âm, Nông mang tính chủ).
.Trống có một nghĩa là đực, là nọc, là dương nên trống được dùng làm trống biểu của ngành mặt trời. Trống đồng hở đáy và trên mặt trống có hình mặt trời nằm trong vòn tròn vỏ không gian của của đại tộc Đông Sơn là trống nòng nọc, âm dương nên là trống biểu tượng cho cả hai nhánh âm dương của ngành mặt trời: dương thái dương và âm thái dương.
Đối chiếu với truyền thuyết và cổ sử Việt trống đồng nòng nọc, âm dương của đại tộc Đông Sơn là trống biểu của Hùng Vương (Hùng có một nghĩa là Trống, nọc, đực, mặt trời) lưỡng hợp Chim Rắn, Tiên-Rồng. Trống đồng nòng nọc, âm dương của đại tộc Đông Sơn là trống biểu của cả hai ngành Hùng Vương dương thái dương Lửa, Núi Mẹ Âu Cơ và âm thái dương Nước, Biển Lạc Long Quân và của Bách Việt (xem Trống Đồng Là Trống Biểu Của Hùng Vương trong bacsinguyenxuanquang.wordpress.com).
.Họ
Trống Miếu Môn I thuộc họ mặt trời hừng rạng, rạng ngời có tia sáng nọc mũi mác.
Đối chiếu với truyền thuyết và cổ sử Việt, đây là trống biểu của họ Hồng Bàng có một khuôn mặt là họ mặt trời thái dương. Theo duy dương, họ Hồng Bàng có một nghĩa là Họ Đỏ, Họ Mặt Trời. Họ Hồng Bàng thế gian kể từ Kì Dương Vương trở xuống, nhìn theo diện nòng nọc, âm dương chỉ gồm có Kì Dương Vương (Kì Việt thuộc ngành mặt trời Viêm Đế và Lạc Long Quân thuộc ngành không gian Thần Nông.
Còn Hùng Vương trong họ Hồng Bàng có thể coi là có một khuôn mặt lịch sử là chính. Ở trống này ta thấy rất rõ dạng lưỡng hợp thiếu dương Li nhánh núi và thiếu âm nhánh nước là con cháu của Kì Dương Vương và Lạc Long Quân. Hùng Vương coi như là thuộc họ Hồng Bàng lịch sử.
Như thế họ Hồng Bàng cần phải nhìn dưới ba diện theo lưỡng hợp nòng nọc, âm dương: ở cõi Tạo Hóa là họ Hồng Bàng vũ trụ gồm hai ngành Viêm Đế và Thần Nông. Ở cõi thế gian: họ Hồng Bàng chỉ gồm có Kì Dương Vương và Lạc Long Quân. Ở cõi lịch sử, họ Hồng Bàng gồm hai nhánh Hùng Vương Núi và Biển.
Hùng Vương lịch sử đội lốt Tổ Hùng tạo hóa, sinh tạo ở cõi trên Thượng Thế.
Đế Minh là cháu ba đời thần mặt trời Viêm Đế thì Kì Dương Vương, Lạc Long Quân và Hùng Vương cũng thuộc dòng mặt trời Viêm Đế. Hiển nhiên họ Hồng Bàng trăm phần trăm có một khuôn mặt là Họ Mặt Trời.
.Ngành
Hai vành nọc mũi tên (mũi mác, răng cưa, răng sói) ở biên trống cho biết trống thuộc ngành nọc dương thái dương mặt trời chói sáng khác với trống đồng âm thái dương ví dụ như trống Cổ Loa cũng có mặt trời 14 nọc tia sáng nhưng có hai vành đường rầy hay hình các thanh thang đứng (răng lược) ở biên trống cho biết trống thuộc ngành nọc âm thái dương, mặt trời êm dịu.
Đối chiếu với truyền thuyết và cổ sử Việt, đây là ngành mặt trời dương thái dương phía Viêm Đế.
.Nhánh
Mặt trời có tia sáng hình nọc mũi tên nhọn, sắc ứng với nhánh nọc, lửa, nọc nhọn, rìu nhọn tức nhánh rạng ngời khác với các trống cóc/ếch như trống Hữu Chung có nọc tia sáng cạnh cong hình búp măng, cánh hoa sen nhọn đầu mang âm tính diễn tả ánh sáng nọc âm êm dịu.
Đối chiếu với truyền thuyết và cổ sử Việt, đây là nhánh Việt mặt trời rạng ngời.
.Đại tộc
Khối lửa mặt trời hình cầu gai chói lọi không thấy đĩa tròn ứng với đại tộc thái dương.
Đối chiếu với truyền thuyết và cổ sử Việt, đây là đại tộc Việt thái dương ngành dương.
.Dạng lưỡng hợp nòng nọc, âm dương
Thấy qua sự kiện là trống hở đáy, mặt trời-không gian ở tâm trống và tia sáng số chẵn âm đi với mặt trời dương.
Đặc biệt ở đây như đã nói ở trên có dạng lưỡng hợp thiếu dương thiếu âm ở cõi thế gian tiểu vũ trụ.
Đối chiếu với truyền thuyết và cổ sử Việt, dạng lưỡng hợp nòng nọc, âm dương, lửa-nước ứng với Chim-Rắn, Viêm Đế-Thần Nông, Đế Minh-Long Vương, Kì Dương Vương-Thần Long, Lạc Long Quân-Âu Cơ, Tiên-Rồng, Hùng Lang, Hùng Vương lưỡng hợp hai ngành núi-biển, liên bang Văn Lang…
.Trống Nấm Vũ Trụ: trống có hình Cây Nấm Vũ Trụ Nguyễn Xuân Quang VI (Heger I).
Trống có hình cây nấm là trống Cây Nấm Vũ Trụ (Cây Tam Thế, Cây Đời Sống) gồm đủ cả ba cõi, Tam Thế mang trọn vẹn ý nghĩa vũ trụ luận.
Đối chiếu với truyền thuyết và cổ sử Việt, trống này theo chính thống phải mang trọn vẹn cốt lõi văn hóa Việt dựa trên nòng nọc, âm dương nền tảng của Vũ Trụ Tạo Sinh, Vũ Trụ giáo.
1. Mặt trống
Nhìn tổng thể, trống “mát dịu” vì có nhiều các yếu tố âm trên mặt trống như đã nói ở trên là vỏ không gian hay vỏ Trứng Vũ Trụ rất dầy, đậm nét mang âm tính nghiêng về phía thái âm nước. Ở vùng đất thế gian và ngoài biên trống có sự hiện diện của hai vành hai vòng tròn đồng tâm có chấm nọc dương có nghĩa là nước dương, lửa nước, Chấn.
Tính mát dịu này cho biết trống thuộc ngành mặt trời thái dương êm dịu, mặt trời chiều, hoàng hôn, mặt trời Nước ứng với An Dương Vương (Vua Mặt Trời Êm Dịu) ngành Lạc Long Quân mang tính chủ.
Cõi Trên, Thượng Thế
Thượng Thế, theo nguyên tắc, là phần ở tâm trống biểu tượng cho cõi trên chiếu xuống tâm trống hay là phần cõi trên đập dẹp xuống để làm mặt trống. Trống này có mặt trời 14 nọc tia sáng là trống thế gian (xin nhắc lại trống có mặt trời có số tia sáng bằng hay nhỏ hơn 7 là trống vũ trụ) nên tâm trống cũng mang một khuôn mặt cõi trên tức bầu trời của thế gian. Như thế phần tâm trống có thể coi như là mang hai khuôn mặt: một là cõi trên càn khôn, vũ trụ (đại vũ trụ, tạo hóa) chiếu xuống, hai là khuôn mặt cõi trên bầu trời thế gian (tiểu vũ trụ, cõi nhân sinh). Tâm trống ở đây có vỏ hư vô là vòng tròn bao quanh đầu tia nọc ánh sáng mặt trời. Vỏ không gian rất to nét, đậm nétmang tính thái âm, nước của ngành nọc âm thái dương, ứng với Lạc Long Quân thuộc phía nọc lửa Viêm Đế.
Cõi trên Thượng Thế lại chia ra bốn tầng: vô cực, thái cực, lưỡng nghi, tứ tượng/tứ hành.
a. Vô Cực
Như đã nói ở trên vòng tròn bao quanh đầu tia sáng là vỏ không gian diễn tả bằng vòng tròn rất to, đậm nét mang tính thái âm ngả về Khôn âm biểu tượng cho hư vô, vô cực tiến hóa về thái âm, Biển Vũ Trụ trước.
b. Thái Cực: bọc Trứng Vũ Trụ.
Gồm mặt trời 14 nọc tia sáng và không gian. Không gian ở đây được diễn tả bằng các khoảng không gian giữa các tia sáng mặt trời có hình thái Tứ Tượng (hiện nay gọi lầm là ‘họa tiết lông công’) giống như ở trống đồng âm dương Ngọc Lũ I. Hình thái tứ tượng này cho biết trống có một khuôn mặt sinh tạo tức có khuôn mặt lưỡng hợp của hai nhánh nòng nọc, âm dương của ngành mặt trời thái dương.
Đối chiếu với truyền thuyết và cổ sử Việt, bọc trứng thế gian đội lốt bọc Trứng Vũ Trụ có khuôn mặt sinh tạo mang tính lưỡng hợp Chim-Rắn, Tiên Rồng, Viêm Đế-Thần Nông ngành mặt trời thái dương Đại Tộc Việt.
b. Lưỡng nghi:
-Cực dương:
Mặt trời thuộc họ mặt trời rạng ngời, ngành nọc chói chang, đại tộc thái dương. Mặt trời có khối lửa cầu gai chói chang và nọc tia sáng thuộc nhóm nọc mũi tên (mũi mác, răng cưa, răng sói) là mặt trời nọc thái dương. Những nọc tia sáng mũi tên ở đây có cạnh thẳng, sắc, nhọn mang tính nọc dương thái dương, khác với các nọc tia sáng thuôn tròn mang âm tính thái dương âm trông như cánh hoa sen, hoa thị nhọn đỉnh (xin nhắc lại mặt trời hoa thị, hoa cúc có tia sáng mang âm tính là cánh hoa tròn đầu là mặt trời nữ thái dương như hình mặt trời hoa thị thấy trên trang phục bà Triệu và hình mặt trời hoa cúc 16 cánh của thái dươngthần nữ Ameraterasu của Nhật Bản).
Mặt trời có 14 nọc tia sáng. Số 14 là số Tốn (OII) tầng hai thế gian có một nghĩa âm (O) thái dương (II) (14 = 8 + 6, số 6 là số lão âm, âm thái dương là số Tốn tầng 1, vũ trụ, trong 8 chuỗi hay 8 tầng của 64 quẻ của Dịch những số Tốn là 6, 14, 22, 30, 38, 46, 54, 62). Như đã nói ở trên, trống này có mặt trời 14 nọc tia sáng Tốn thế gian mang tính lưỡng hợp vì có vành hai loại thú bốn chân (xem dưới) nên có hai khuôn mặt là Càn thế gian hay Li/Tốn và Đoài/ Tốn.
Đối chiếu với truyền thuyết và cổ sử Việt ứng với nhánh Li/Tốn
(Hùng Vương nhánh Âu Cơ/Kì Dương Vương) và với nhánh Đoài/Tốn (Hùng Vương nhánh Lạc Long Quân). Đây là một dạng lưỡng hợp của liên bang Văn Lang.
-Cực âm:
.Không gian
Cực âm là không gian chứa mặt trời. Như đã nói vỏ không gian (cùng chung với vỏ Trứng Vũ Trụ) ở đây là một vòng tròn to, dầy, đậm nét mang tính thái âm. Vỏ này cho biết bọc hư không, không gian, Trứng Vũ Trụ có một khuôn mặt mang tính thái âm.
Bản chất không gian thường được diễn tả bởi các hình thái ở các khoảng không gian giữa các tia sáng. Ở đây khoảng không gian có hình thái tứ tượng giống như ở trống đồng âm dương Ngọc Lũ I (Giải Đọc Trống Đồng Nòng Nọc, Âm Dương Đông Nam Á). Ở đây chỉ xin nói sơ lược, tóm gọn lại.
Khoảng không gian giữa các tia sáng có hình thái tứ tượng
Hình thái tứ tượng có 4 chữ viết nòng nọc vòng tròn-que là:
-hình hai giọt nước rơi từ không gian (nên có đuôi) tức hai âm (OO) và có con mắt dương mang tính dương (I) gộp lại là IOO, Chấn.
-chữ nọc mũi tên (mũi mác, răng cưa, răng sói) > có một nghĩa là lửa vũ trụ Càn.
-Bờm gió, tua gió có một nghĩa là gió dương Đoài.
-hình tháp nhọn mang hình ảnh núi tháp trong có đánh dầu chấm nọc có nghĩa là núi dương, lửa thế gian Li.
Hình thái tứ tượng này cho biết không gian mặt trời mang tính sinh tạo lưỡng hợp hai ngành nòng nọc, âm dương.
Như thế qua hình thái tứ tượng của khoảng không gian giữa tia sáng ở dây cho thấy trống này có một khuôn mặt lưỡng hợp với khuôn mặt chủ là ngành thái âm mang tính thái dương Chấn.
Đối chiếu với truyền thuyết và cổ sử Việt, khuôn mặt chủ là Lạc Long Quân nhánh Thần Nông thái dương.
c- Những Vành Sinh Tạo
Trống có những vành sinh tạo ứng với tứ hành giống hệt như ở trống đồng âm dương Ngọc Lũ I.
Những vành sinh động tứ hành trên trống Trống Miếu Môn I.
Có ba vành vận hành sinh tạo:
-vành trong cùng sát mặt trời là vành vòng tròn có chấm. Vì nằm sát mặt trời mang dương tính nên thuộc phía nọc lửa. Vòng tròn (O) có chấm (.) tức (.O) = (OI), thiếu dương (khuôn mặt âm O của ngành nọc I). Tóm lại vành vòng tròn có chấm trong cùng là vành thiếu dương, lửa thế gian Li.
-Vành phía ngoài cùng cũng giống như vành vừa nói nhưng vì nằm ngoài xa mặt trời nên mang âm tính, phải đọc là vành chấm vòng tròn tức IO, thiếu âm (khuôn mặt đương I của ngành nòng O). Tóm lại vành chấm vòng tròn ở ngoài cùng là vành thiếu âm, gió thế gian Đoài.
-Hai vành này kẹp ở giữa vành hai chữ S gẫy khúc ôm nhau. Chữ S gẫy nhỏ nét mang dương tính diễn tả lửa vũ trụ. Chữ S gẫy này có ba khúc tức ba hào dương ghép lại, tức III, Càn Lửa vũ trụ. Chữ S mập phần giữa to nét mang âm tính thái âm diễn tả nước chuyển động mang dương tính, lửa. Phần mập ở giữa là giọt nước chuyển động và hai nọc nhọn ở hai đầu giọt nước mang nghĩa, lửa thái dương.
Như thế chữ S mập diễn tả nước OO dương I tức IOO, Chấn.
Vậy vành này diễn tả Càn-Chấn ôm nhau dưới dạng sinh động, sinh tạo năng động. Đây là dạng lưỡng hợp thái dương thái âm ở cõi đại vũ trụ, tạo hóa. Trong khi hai vành vòng tròn có chầm Li và chấm vòng tròn Đoài là dạng lưỡng hợp thiếu dương, thiếu âm ở cõi tiểu vũ trụ, thế gian.
Hình thái tứ tượng ở các khoảng không gian giữa tia sáng ở dạng tĩnh mang nghĩa biểu tượng trong khi tứ tượng ở các vành này diễn tả tứ tượng ở dạng chuyển động, vận hành nên là tứ hành diễn tả lưỡng hợp nòng nọc, âm dương sinh động, năng động.
Xin nhắc lại Việt Dịch nòng nọc Đông Sơn cho thấy trong văn hóa Bách Việt chỉ có tứ hành khác với Trung Hoa có ngũ hành. Tứ hành liên tác sinh ra vũ trụ muôn sinh, được chia ra Tam Thế biểu tượng bằng Cây Tam Thế (Cây Vũ Trụ, Cây Đời Sống). Người Trung Hoa lấy cây này làm thành hành Mộc nên mới có ngũ hành. Ngày nay khoa di truyền học cho thấy tứ hành của Bách Việt đúng hơn ngũ hành của Trung Hoa. Đơn vị di truyền căn bản DNA chỉ có 4 chất CAGT được cho là Bốn Chữ của Sự Sống (Four Letters of Life), của Tạo Hóa (Four Letters of Creator), của Thượng Đế (Four Letters of God).
Xin đừng dùng ngũ hành giải thích văn hóa Việt.
Tổng quát ở cõi trên, trống Miếu Môn I có mặt trời 14 nọc tia sáng có hai khuôn mặt (Càn-) Li/Tốn thế gian và Đoài/Tốn. Mặt trời thế gian có khoảng không gian giữa tia sáng lcó hình thái tứ tượng cho thấy trống này có một khuôn mặt lưỡng hợp thiếu dương Li và thiếu âm Đoài với khuôn mặt chủ là nghánh nọc nước, mặt trời Nước, Chấn thế gian.
Đối chiếu với truyền thuyết và cổ sử Việt đây là trống có một khuôn mặt lưỡng hợp Chim-Rắn, Tiên Rồng của liên bang Văn Lang Hùng Vương với nhánh Lạc Long Quân mang tính chủ.
B. Cõi Giữa, Trung Thế.
Trung Thế là cõi giữa nhân thế gồm có vùng đất và vùng nước. Vùng đất là phần mặt trống còn lại và vùng nước là tang trống.
-Vùng Đất.
a. Đất dương
.Vành thú bốn chân
Trống này có mặt trời 14 nọc tia sáng là trống thế gian nên có vành chủ chốt nằm gần phía mặt trời là vành diễn tả hai loài thú bốn chân sống được trên mặt đất.
Như đã nói ở trên, vành này là một đặc điểm của trống vì gồm có hai loài thú bốn chân khác nhau. Với hai loài thú bốn chân ở cùng một vành cho biết là trống có một khuôn mặt lưỡng hợp ở cõi thế gian, tiểu vũ trụ là lưỡng hợp thiếu âm, thiếu dương. Một loài thấy rất rõ là mang gạc hươu sừng và một loài “thú lạ”.
Hai loài thú bốn chân trên Trống Miếu Môn I (nguồn: Nguyễn Văn Huyên).
Mang Gạc.
Trống Miếu Môn I có những con hươu giống những con hươu trên rống Ngọc Lũ I (trống đồng âm dương Ngọc Lũ I cũng có mặt trời 14 nọc tia sáng).
Trống này có 8 con chia ra mỗi bán viên có 4 con. Số 4 là số Cấn. Số 4 Cấn âm có khuôn mặt dương là Li 5 làm đại diện và hôn phối với Chấn. Như thế theo duy dương những con hươu này mang khuôn mặt là hươu Li dòng nước Chấn. Cả hai nhóm đều có 4 con cho thấy khuôn mặt Li mang tính chủ so với khuôn mặt Càn. Điểm này cũng giống như ở trống Ngọc Lũ I hai nhóm đều có 10 con, số 10 là số Khảm hôn phối với Li.
Nhóm hươu có cả hươu đực và cái cho thấy có sự hiện diện của lưỡng hợp nòng nọc, âm dương ngay cả trong một đại tộc. Bán viên dương là nhóm có con đực đi với 4 con hươu Càn thế gian/Li. Và bán viên âm có 4 con cái đi với 4 con hươu phía Đoài.
Trong 8 con thì 7 con là cái và chỉ có 1 con đực. Điểm này cho thấy khuôn mặt âm mang tính chủ.
Ở đây cũng như ở trống đồng âm dương Ngọc Lũ I những con hươu cái có sừng.Trong thiên nhiên hươu cái (nai) không có sừng ngoại trừ loài tuần lộc (reindeer), con cái có sừng. Những con hươu ở đây không phải là loài tuần lộc vì sừng chỉ có ba mấu nhọn (trong khi tuần lộc sừng có nhiều mấu nhọn).
Hươu cái có sừng cho thấy những con hươu này diễn đạt theo ý nghĩa biểu tượng. Điều này dễ hiểu vì loài thú đi cùng vành được thể điệu hóa rất nhiều trông rất “lạ”, hoàn toàn mang ý nghĩa biểu tượng. Trống này đã hơi muộn. Con hươu cái có sừng mang ý nghĩa biểu tượng là nai lửa, thái dương ngành âm, cái, nữ (hai sừng nhọn là hai nọc, hai dương, lửa, thái dương). Điều này thấy rõ qua lá cờ hình hươu sao cái biểu tượng cho bà Ngu Cơ (Âu Cơ) của người Mường dùng trong tế lễ:
Hươu Sao cái có sừng biểu tượng cho Ngu Cơ của người Mường (nguồn, J. Cuisinier, Les Mường).
Lưu ý hươu sao Ngu Cơ Mường sừng có 4 mấu nhọn. Số 4 là số chẵn, số âm và cũng là số Cấn, Núi, bản thể thế gian của Ngu Cơ, Âu Cơ dẫn năm mươi con lên núi.
Âu Cơ, Ngu Cơ là Nàng Lửa, Thái dương thần nữ của Việt Mường nên có biểu tượng là con nai sao có sừng lửa, thái dương.
Ta cũng thấy rất rõ trong 8 con hươu thì có 7 con là hươu cái? Tại sao lại 7? Số 7 là số Càn, lửa thái dương. 7 con hươu cái mang nghĩa biểu tượng là mặt trời Mặt Trời Nàng Thái dương, Thái dương thần nữ. Khuôn mặt này mang tính chủ yếu.
Đối chiếu với truyền thuyết và cổ sử Việt, ta thấy hươu ở đây ứng với hươu Li/Càn ngành Nọc Lửa thái dương Viêm Đế, Kì Dương Vương với tộc hươu Li thuộc ngành Mẹ Tổ Âu Cơ thái dương thần nữ tức nhánh Hùng Vương Lửa Núi mang tính chủ. Điều này ăn khớp trăm phần trăm với Mẹ Tổ Âu Cơ ở cõi trời sinh tạo có một khuôn mặt là Nàng Lửa, Nữ Thần thái dương OII, Tốn và ở cõi đất thế gian có một khuôn mặt là lửa đát thế gian tức núi Cấn, có thú biểu là con hươu sao cái còn thấy trong truyền thuyết Mường.
Cũng xin nhắc lại tiếng cổ Việt gọi hươu là con mang. Từ mang với biến âm muông có gốc nghĩa chỉ chung các loài thú bốn chân (muông thú) ruột thịt với Mường ngữ moongchỉ loài thú. Tại sao mang lại dùng chỉ chung các loài thú? Xin thưa, như đã biết, hươu là con thú và cũng là con người đầu tiên của nhân loại qua hình ảnh con hươu Keh của Đông Á cổ (James Churchward) và Hươu Đực Lộc Tục Kì Dương Vương, vua đầu tiên của nước Xích Quỉ, Người Mặt Trời. Mang coi như thủy tổ các loài thú trong khi cây Si với Si biến âm với Kì có nghĩa là Cây là thủy tổ của loài thực vật. Mang hươu là thủy tổ loài thú cũng đúng trăm phần trăm với từ Anh ngữ deer (mang, hươu). Cho mãi tới thế kỷ 13, tất cả loài thú bốn chân đều gọi là deer, ruột thịt với Hy Lạp ngữ ther, có nghĩa là thú (vật). Ta thấy rất rõ ther = thú. Theo định luật Grimn th = d = z , ta có ther = thú = zoo (sở thú). Deer nguyên thủy hiểu theo gốc Hy Lạp ther, thú theo duy dương với nghĩa con hươu ngày là tổ tiên của các thú vật kể cả loài người của ngành nọc dương. Trong khi đó từ panther chỉ con báo là vật tổ của các tộc thuộc ngành nòng âm như Maya là tổ tiên của các thú vật kể cả loài người của nòng âm. Panther có pan- là tất cả và ther là thú. Panther là (tổ) của tất cả loài thú kể cả con người của ngành nòng âm vì con báo không có sừng. Cũng nên biết từ báo biến âm với bao, bầu, bì có một nghĩa là mang (bầu).
Như thế từ mang chỉ chung hươu nai (đực và cái) đúng hơn từ hươu chỉ riêng con đực (hươu là hèo là kèo là cọc, là c…c). Theo duy dương mang có nghĩa là cây gai nhọn (thảo mang). Mầm tre mới mọc trông như cái gai nhọn gọi là măng. Măng là biến âm của mang (gai nhọn). Vì thế theo duy dương mang có một nghĩa chỉ con cọc (Việt Dịch Bầu Cua Cá Cọc), hươu cọc, hươu sừng. Rõ hơn gọi chung là mang gạc. Theo duy âm, mang có nghĩa là bao, bầu (có mang là có bầu) chỉ con nai cái. Trong Việt ngữ mang, mễn ngày nay chỉ loài hươu nai nhỏ con không có sừng mang âm tính. Như thế theo duy âm mang chỉ loài hươu mang âm tính, nai cái.
Vì thế, từ đây về sau tôi dùng từ MANG gọi các con hươu nai trên trống này vì ở đây vừa có con đực và con cái (gọi hươu chỉ con đực thôi không chỉnh, trong khi đó từ mang hàm nghĩa chỉ chung cả con đực và con cái).
Bây giờ ta hãy nhận diện các con mang này.
Như đã biết qua trống Phú Xuyên, tổng quát mang gạc hươu sừng biểu tượng cho ngành dương lửa Càn/Li thái dương với khuôn mặt Li lửa thế gian biểu tượng cho cõi giữa Trung Thế mang tính chủ ứng với Kì Dương Vương. Những con mang ở trống Miếu Môn I này được diễn tả khác với mang gạc hươu sủa ở trống Phú Xuyên như sừng có 3 mấu nhọn (ở trống Phú Xuyên sừng không có mấu nhọn), ở đây có thêm những con cái… như thế mang ở trống này còn có những ý nghĩa biểu tượng khác với hươu sủa ở trống Phú Xuyên.
Ta thấy rất rõ ở các con mang ở đây:
Những con mang trên Trống Miếu Môn I (nguồn: Nguyễn Văn Huyên).
-ở mõm có chữ nọc mũi tên (mũi mác, răng cưa, răng sói) > mang nghĩa lửa, thái dương.
-Trên mình mang có chữ viết nòng nọc vòng tròn-que hình nọc dài uốn cong theo thân người con vật có nghĩa là nọc, dương. Hai bên có hai hàng chấm nọc dương, lửa, thái dương. Gộp lại cho biết mang thuộc ngành nọc, lửa, mặt trời thái dương.
-mang đi theo chiều dương tức theo chiều ngược với kim đồng hồ, theo chiều mặt trời.
-sừng mang có 3 mấu nhọn là ba hào dương III, Càn.
– 8 con mang với số 8 là số Khôn hôn phối với Càn. Rõ ràng mang có một khuôn mặt Càn.
Như thế tóm lại 8 con mang trên trống Trống Miếu Môn I này thuộc ngành nọc lửa, mặt trời thái dương với khuôn mặt lửa thế gian thiếu dương Li mang tính chủ. Với 7 con cái cho biết khuôn mặt thuộc dòng lửa thế gian nữ thái dương là chính yếu.
Đối chiếu với truyền thuyết và cổ sử Việt, 8 con mang biểu tượng cho cho ngành nọc lửa mặt trời Viêm Đế thái dương, với khuôn mặt Kì Dương Vương lửa thế gian Li mang tính chủ và nhánh Hùng Vương theo Âu Cơ thái dương thần nữ lên núi là khuôn mặt chính yếu.
Đây chính là khuôn mặt thiếu dương Li lửa đất thế gian (Càn thế gian) tức Đế của Viêm Đế tương hợp với khuôn mặt Tốn 14 nọc tia sáng của trống Miếu Môn I ứng với phía Lửa, Núi Âu Cơ.
Lão Cổ Vật Sưu tầm
Nguồn : Blog bác sỹ Nguyễn Xuân Quang - https://nguyenxuanquangbacsi.wordpress.com/
Tin liên quan
laocovat
Thứ Hai, 12 Tháng Mười Hai 2022
laocovat
Thứ Hai, 12 Tháng Mười Hai 2022
Địa Chỉ Cửa Hàng Chúng Tôi
Hotline: 098.13.02468
Email: contact@laocovat.com
Địa chỉ: 146 Nghi Tàm - Tây Hồ - Hà Nội