Tứ quý trong văn hóa dân gian ViệtLike 0 41
laocovat
Thứ Sáu, 16 Tháng Mười Hai 2022
Lão Cổ Vật - Tứ quý được trang trí ở nhiều nơi sang trọng như cung vua, phủ chúa, tư thất của quan lại hay những gia đình giàu sang. Đối với tầng lớp bình dân, tứ quý thường được sử dụng để trang trí dưới dạng một bộ tranh tứ bình gồm bốn bức bằng giấy dó hay giấy bản. Cần phải lưu ý rằng, tứ quý không phải “bốn vật quý” như nhiều người vẫn hiểu lầm.
1. Tứ quý trong quan niệm dân gian
Tứ quý trong vai trò là biểu tượng của bốn mùa được hình thành ở những cư dân thuộc vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa châu Á như Việt Nam và một phần của Trung Hoa lục địa. Về sau, khi đã được nâng lên thành một biểu tượng của nghệ thuật, tứ quý thâm nhập vào nhiều nền văn hoá khác nằm cận kề các khu vực văn hoá thuộc vùng khí hậu nói trên. Cho tới nay, tứ quý là một trong những biểu tượng nghệ thuật được sử dụng nhiều trong văn hoá truyền thống ở các quốc gia thuộc khu vực Đông Bắc Á như Nhật Bản, Triều Tiên cùng với Trung Hoa và Việt Nam. Ngoài ra, biểu tượng này còn được các cộng đồng người Hoa và người Việt ở nước ngoài lưu giữ. ở những cộng đồng này, tứ quý được xem như một biểu tượng quan trọng của văn hoá truyền thống.
Bên cạnh những quan niệm bốn mùa được sản sinh từ yếu tố khí hậu của tứ quý, một yếu tố hết sức quan trọng đã góp phần tạo nên cụm biểu tượng trang trí này là quan niệm bộ tứ của người phương Đông đã được hình thành từ hàng nghìn năm qua. Lối tư duy này được người Hán sử dụng nhiều nhất và lâu đời nhất. Đầu tiên phải kể đến là biểu tượng tứ tượng trong hà đồ của người Trung Hoa, với quan niệm lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái. Thứ đến là tứ thư trong tứ thư, ngũ kinh - những kinh sách quan trọng của người Trung Hoa và cũng là một trong những biểu hiện quan trọng nhất của nền văn hiến Trung Hoa. Thông qua Đạo giáo và Phật giáo, người Trung Hoa hình thành nên Tứ đại danh sơn - nơi tu luyện của các vị thần phật, bao gồm: Ngũ Đài sơn, Phổ Đà sơn, Nga Mi sơn và Cửu Hoa sơn. Ngoài ra còn có tứ đại mĩ nhân, tứ Bồ tát, tứ thiên vương v.v...…
Trong quan niệm của người phương Đông, bộ tứ là biểu hiện của sự đầy đủ, vững chắc, vĩnh cửu, hạnh phúc... như tứ phương, tứ trụ, tứ đức... Thậm chí ở Việt Nam, bộ tứ còn được hình tượng hoá thành cụm biểu tượng tứ bất tử gồm bốn vị thần: Sơn Tinh, Chử Đồng Tử, Mẫu Liễu Hạnh và Thánh Gióng, hoặc tứ chính trấn bao gồm xứ Đông, xứ Nam, xứ Đoài và xứ Bắc. Trong một trò chơi dân gian khá thịnh hành trước đây (bài Tam cúc), bốn con bài cùng loại cũng được gọi là tứ quý hay tứ tử trình làng. Người gặp tứ quý khi chơi bài thường nắm chắc phần thắng và tứ quý được xem như một biểu hiện của sự may mắn. Như vậy, xuất phát từ những biểu tượng của bốn mùa nhưng tứ quý trong quan niệm dân gian không còn là một biểu tượng riêng của thời tiết hay khí hậu nữa mà đã biến thành biểu tượng của nhiều điều tốt lành khác. Đặc biệt, khi đã trở thành một biểu tượng của sự may mắn, tứ quý trở thành một niềm ước vọng của mọi người dân bất kể sang hèn.
Qua đó có thể thấy rằng, người dân sử dụng biểu tượng tứ quý để trang trí trong nhà không có nghĩa là chỉ để làm đẹp hay chỉ để xem “lịch bốn mùa” mà còn là để cầu mong sự may mắn. Đây là một nét rất đặc thù trong văn hoá Việt Nam nói riêng và văn hoá phương Đông nói chung. Ở phương Tây, khi cầu nguyện, người ta thường hướng tới một vị thần linh cụ thể với những điều ước cụ thể. Còn ở phương Đông, đặc biệt là ở Việt Nam, người dân có xu hướng tự tìm cho mình những yếu tố may mắn bằng nhiều sự biểu hiện khác nhau như hướng nhà (phong thuỷ), hướng đi, màu sắc, con số... Thậm chí, còn có cả những điều may mắn chỉ do một con nhện đưa lại (!). Chẳng hạn như khi đang dự định một công việc gì quan trọng, nếu nhìn thấy một con nhện đang kéo tơ đi lên thì chắc chắn công việc đó sẽ gặp nhiều thuận lợi.
Với lối tư duy trừu tượng như vậy, việc lấy biểu tượng tứ quý để tạo ra sự may mắn không có gì là lạ. Tuy nhiên, những biểu hiện của biểu tượng này rất khác nhau. Tuỳ theo quan niệm, lối sống của người dân mỗi lúc, mỗi nơi, tứ quý lại được thể hiện bằng những cách thức riêng để làm phù hợp với các yếu tố lịch sử và văn hoá.
2. Tứ quý trong nghệ thuật trang trí của người Việt
Khác với tam đa mang hình tượng con người, tứ linh mang hình tượng của các con vật, tứ quý lúc ban đầu là hình tượng cây. Điều này cũng dễ hiểu vì tứ quý là biểu tượng của bốn mùa mà những biểu hiện rõ rệt nhất của bốn mùa trong tự nhiên là các loài cây. Tuy nhiên, sau khi đã trở nên một dạng biểu trưng trong nghệ thuật, hình tượng tứ quý dần biến đổi thành nhiều dạng biểu hiện khác nhau. Có khi chỉ là bốn loài thảo mộc nhưng cũng có khi được bổ sung thêm bằng những vật, những loài vật hoặc cây cỏ khác. Theo thống kê của chúng tôi, đã có 5 bộ tứ quý được sử dụng một cách phổ biến là:
1. Đào - trúc - cúc - tùng; 2. Mai - trúc - cúc - tùng;3. Mai - trúc - cúc - lan;4. Mai - trúc - cúc - sen;5. Mai - sen - cúc - tùng.
Các bộ cây này mặc dù là trọng tâm của các cụm trang trí nhưng ít khi đứng đơn độc mà thường được đưa thêm vào các hoạ tiết phụ tạo thành những cảnh đẹp và có ý nghĩa. Chẳng hạn, ở bộ tứ quý số 5 nói trên, ngoài các biểu tượng thực vật là mai, sen, cúc, tùng, các nghệ nhân còn đưa vào đây chim, vịt, bướm, hươu/hạc để tạo thành mai điểu, liên áp, cúc điệp, tùng lộc/hạc. Trong khi đó ở bộ tứ quý số 1, đào, trúc, cúc, tùng, lại được các nghệ nhân đưa thêm vào bốn công trình nghệ thuật tiêu biểu của người Việt là Khuê văn các(2), chùa Một Cột, đền Ngọc Sơn và chùa Trấn Quốc.
Một số bộ tứ quý lại được thay thế bằng một biểu tượng ngoại nhập như ở bộ số 4, mai, trúc, cúc, sen, cây mai lại được thay bằng mẫu đơn. Những thay đổi này có thể bắt gặp nhiều ở các bộ tứ bình trong tranh Hàng Trống. Có thể thấy rằng, mai là một loài hoa biểu trưng cho mùa xuân của người Việt nhưng mẫu đơn thì có khá ít người biết đến. Trong khi đó, mẫu đơn lại là một loài hoa “nữ hoàng” của người Trung Hoa. Như vậy, những bộ tứ quý có hoa mẫu đơn chính là một dạng ảnh hưởng của nghệ thuật Trung Hoa. Vì lí do này mà chúng tôi không xếp bộ tứ quý có hoa mẫu đơn vào những bộ tứ quý mang đặc trưng văn hoá Việt Nam.
Biểu hiện của các loài cây trong bộ tứ quý và ý nghĩa của chúng trong nghệ thuật trang trí của người Việt như sau:
- Đào thường được mô tả bằng một thân cây có gốc to, cành khẳng khiu, điểm xuyết những bông hoa 5 cánh hình tròn và nhiều những búp nhỏ. Cũng có khi đào được mô tả dưới dạng những cành hoa hoặc từng bông hoa. Đào là biểu tượng của sự trường sinh bất lão. Đào cũng được dùng để xua đuổi tà ma. Những ý nghĩa này đều có nguồn gốc từ Trung Hoa.
- Mai cũng tương tự như đào nhưng thường có vóc dáng gầy hơn, mảnh mai hơn, hoa dày nhưng ít nụ hơn. Mai tượng trưng cho sự thanh cao, khí tiết của người quân tử. Các nhà nho xưa gặp lúc đời loạn lạc thường ví mình như cành mai nở trong gió đông để giữ mình thanh sạch. Cũng có khi mai được ví như người con gái chốn đài các, khuê phòng.
- Trúc được mô tả dưới dạng một khóm trúc đứng thẳng hoặc một vài cành trúc buông la đà. Có khi trúc được thể hiện thành “đoản trúc” gồm những thân trúc (hoặc chỉ một thân trúc) không gốc, không ngọn, điểm xuyết bằng một vài chiếc lá hoặc chùm lá mảnh. Trúc tượng trưng cho người quân tử với tính cách ngay thẳng, cương trực.
- Cúc biểu hiện bằng một khóm cây thân thảo với những bông hoa to, nhiều cánh hoặc tạo thành các hoa dây hay những bông cúc cách điệu hình thành nên những mô típ trang trí có tính khái quát. Cũng có khi cúc được biểu hiện bằng một bông hoa to nằm ở vị trí trung tâm của các đồ án trang trí. Cúc là biểu tượng của lòng thuỷ chung nên cúc cũng được ví như người phụ nữ chung thuỷ.
- Tùng là loài cây lớn, mạnh mẽ cùng họ lá kim với thông. Cả hai loài này đều chịu được điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Tuy nhiên, tùng luôn giữ được bộ lá xanh quanh năm nên tùng được chọn đưa vào bộ tứ quý. Tùng được mô tả bằng một cây cổ thụ với các tán lá có những chùm lá dày. Tùng tượng trưng cho khí phách của người đàn ông, chịu đựng gian khổ, dám đương đầu với mọi phong ba, bão tố.
- Sen là một loài cây rất được mến mộ trong các nền văn hoá ở phương Đông, đặc biệt là những quốc gia theo Phật giáo. Hình hoa sen trong nghệ thuật trang trí của người Việt được tạo tác thành nhiều đồ án trang trí hết sức phong phú. Ở bộ tứ quý, hoa sen thường được các nghệ nhân xưa tập trung mô tả những nét đặc trưng như bông sen và cánh sen. Riêng ở các bộ tứ bình, sen được đặc tả như thật. Sen có rất nhiều ý nghĩa tượng trưng. ở mỗi nền văn hoá, hoa sen lại được biết đến với những ý nghĩa khác nhau, nhưng nhìn chung, đó đều là những ý nghĩa cao quý, tốt đẹp. Một trong những ý nghĩa được nhiều người biết đến nhất là sự tinh khiết, thanh tao. Vì vậy, sen thường được gắn với chữ tâm của đức Phật hoặc sự trinh trắng của người con gái.
- Lan là loài hoa đẹp, ở nhiều nước phương Tây, lan được gọi bằng những cái tên ưu ái như nữ hoàng của loài hoa, công chúa ngủ trong rừng... Lan có tới hàng nghìn loài khác nhau nên rất khó có thể chọn ra những mô típ đặc trưng của lan để đưa vào các đồ án trang trí. Ở Việt Nam, lan chỉ góp mặt rất ít trong nghệ thuật trang trí, có chăng chỉ là ở các bức tứ bình.
Trong số năm bộ tứ quý đã giới thiệu ở trên, tần suất xuất hiện của các biểu tượng trang trí được thống kê như sau:
- Đào: 1 lần / Mai: 4 lần / Trúc: 4 lần / Cúc: 5 lần / Tùng: 3 lần / Sen: 2 lần / Lan: 1 lần
Có thể nhận thấy các biểu tượng mai, trúc, cúc, tùng xuất hiện nhiều nhất. Đây cũng chính là bốn loài cây đặc trưng cho bốn mùa trong năm của người Việt. Trong đó, mai là biểu tượng của mùa xuân vì hoa mai nở vào mùa xuân. Cúc là biểu tượng của mùa thu vì hoa cúc nở mùa thu(3). Tùng là biểu tượng của mùa đông vì loài cây này có thể chịu đựng được mọi thời tiết khắc nghiệt. Trong mùa đông lạnh giá, lá cây tùng vẫn xanh tươi. Riêng cây trúc được chọn làm biểu tượng của mùa hạ vì lí do gì, cho đến nay vẫn chưa có ai đưa ra lời giải thích một cách đẩy đủ. Theo chúng tôi, rất có thể cây trúc được chọn làm biểu tượng của mùa hạ trong bộ tứ quý của nghệ thuật trang trí của người Việt vì tre, trúc là những loài cho bóng mát về mùa hạ, lại liên quan nhiều đến những vật dụng mùa hè như chiếc nôi, cái chõng... Trong khi mùa hạ cũng có những loài hoa rất đặc trưng như hoa gạo, hoa phượng, nhưng những loài hoa này lại không được chọn.
Sen và lan cũng là hai loài hoa đẹp nhưng lại ít xuất hiện ở các bộ tứ quý. Theo chúng tôi, có thể hoa sen - loài hoa thường nở vào mùa hạ - bị lấn át bởi sự “gần gũi, thân thiện” của trúc với con người nên chúng đành phải nhường ngôi vị này cho trúc. Riêng hoa lan, tuy là một loài hoa đẹp nhưng ít thông dụng nên ít được sử dụng cũng là một điều dễ hiểu.
Sự “bất công” do ít được sử dụng không phải với sen hay lan mà lại chính là hoa đào - một loài hoa nổi tiếng và cũng là một loài hoa rất đặc trưng cho mùa xuân Việt Nam. Nếu so sánh giữa đào và mai - hai loài cây đặc trưng cho mùa xuân - thì lẽ ra đào phải được “ưu ái” hơn vì đào là biểu tượng của mùa xuân ở miền Bắc - cái nôi sinh thành của người Việt và văn hoá Việt. Vậy do đâu mà hoa mai, như chúng ta thấy, lại được sử dụng nhiều hơn trong các đồ án trang trí tứ quý như vậy? Để trả lời câu hỏi này không thể chỉ xét theo một chiều đồng đại mà còn phải tìm hiểu cả theo lịch đại. Có nghĩa là phải xem xét đến lịch sử hình thành và phát triển của hình tượng tứ quý trong văn hoá Việt Nam, vấn đề này sẽ được chúng tôi đề cập đến trong chuyên mục dưới đây.
3. Sự hình thành và phát triển của hình tượng tứ quý trong văn hoá Việt Nam
Là một hình tượng nghệ thuật tiêu biểu trong nền mĩ thuật cổ của người Việt nhưng hình tượng tứ quý trong nghệ thuật tạo hình hầu như không được nhắc đến trong các tư liệu và thư tịch cổ. Trong khi đó, các biểu tượng của hình tượng này lại được nói đến khá nhiều trong thơ văn của Lê Thánh Tông, Nguyễn Trãi - các bậc danh nho thời Lê Sơ. Rất có thể, ý thức hệ nho giáo và sự ảnh hưởng của văn hoá Trung Hoa đã tạo tiền đề cho sự ra đời của hình tượng tứ quý trong nghệ thuật nói chung và nghệ thuật tạo hình nói riêng. Hình tượng tứ quý trong thơ văn của các bậc danh nho thời Lê Sơ là những biểu hiện cụ thể của hình tượng nghệ thuật mang tính cung đình. Những biểu hiện này có thể đã được cụ thể hoá bằng ngôn ngữ của nghệ thuật tạo hình trong các kiến trúc cung đình và các kiến trúc mang tính cung đình của nhà Lê Sơ. Rất tiếc là những công trình này đã bị đốt sạch.
Một trăm năm tồn tại của nhà nước Lê Sơ (1428 - 1527) chưa đủ để hình tượng tứ quý trong nghệ thuật tạo hình phổ biến rộng rãi trong nhân dân. Tiếp đến giai đoạn cầm quyền của vương triều Mạc (1527 - 1592), các cuộc nội chiến liên miên với nhiều lần thất thủ kinh đô đã khiến cho nhà Mạc không thể định hình nền mĩ thuật nói chung và các hình tượng nghệ thuật như tứ quý nói riêng. Trong bối cảnh đó, nền nghệ thuật dân gian có cơ hội phục hưng và hình tượng tứ quý với tư duy của các nghệ nhân dân gian đã phát triển một cách tự do và tản mát ở nhiều loại đồ án trang trí kiến trúc, gốm và đồ gia dụng. Chính vì sự phát triển mang tính tự do này mà các biểu tượng của hình tượng tứ quý trong nghệ thuật tạo hình ở các giai đoạn trước Nguyễn thường thiếu tính “quy củ” như các đồ án trang trí được thực hiện dưới thời Nguyễn.
Sau khi tiêu diệt nhà Mạc (1592), nhà Lê lại trung hưng với sự trợ giúp và điều hành của các chúa Trịnh. Nền nghệ thuật cung đình của thời Lê Sơ đến giai đoạn này lại có dịp phục hồi. Từ đây, các hình tượng nghệ thuật như tứ quý, bát bửu... vừa được sử dụng trong cung vua, phủ chúa vừa phát triển rộng ra ngoài dân gian, đặc biệt là ở các ngôi đình làng. Những ngôi đình đẹp và lớn nổi tiếng như đình Đình Bảng, đình Diềm (Bắc Ninh), đình So, đình Yên Sở (Hà Tây)... ít nhiều đều có sự góp mặt của các hình tượng trang trí này. Tuy nhiên, hình tượng tứ quý thông qua tư duy của các nghệ nhân ở giai đoạn này hoặc thiếu hệ thống, hoặc không đủ bộ. Nhìn chung, lối sử dụng hình tượng tứ quý ở giai đoạn này còn tuỳ tiện. Chỉ đến khi hình tượng tứ quý chính thức được các vua Nguyễn sử dụng làm một trong những mô típ trang trí chủ đạo của chốn cung đình triều Nguyễn thì lúc đó tứ quý mới được định hình một cách rõ rệt và phát triển nở rộ thành những bộ tứ quý hoàn thiện như ta thấy ngày nay.
Trở lại vấn đề chúng tôi đã đặt ra ở chuyên mục trước, có thể dễ dàng nhận thấy, mai là loài hoa biểu tượng của mùa xuân ở Huế - kinh đô nhà Nguyễn. Vì vậy, việc sử dụng mai làm biểu tượng mùa xuân của hình tượng tứ quý ở giai đoạn này là một điều tất yếu. Sau một thế kỉ rưỡi cầm quyền (từ 1802 đến 1945) của nhà Nguyễn, biểu tượng mùa xuân của hoa mai đã giữ một vị trí “thống soái” trong các đồ án trang trí tứ quý còn tồn tại cho đến ngày hôm nay.
Cho đến nay, hình tượng tứ quý trong nghệ thuật trang trí của người Việt đã ảnh hưởng rộng khắp từ chốn cung đình đến nơi thôn dã, từ những công trình kiến trúc khang trang bề thế đến các vật dụng hằng ngày. Với một quá trình tồn tại và phát triển nhiều thế kỉ trong văn hoá Việt Nam, hình tượng tứ quý đã trở thành một phần quan trọng trong vốn di sản văn hoá của người Việt. Đây không chỉ đơn thuần là một thành tố văn hoá hữu hình mà hơn thế nó còn là những hiện vật trong “nhà bảo tàng sống” - nơi chứa đựng các yếu tố văn hoá vô hình có giá trị hết sức to lớn trong nền văn hoá Việt Nam.
Với những biến đổi không ngừng của văn hoá, hình tượng tứ quý giờ đây đang tiếp tục trở thành một loại ngôn ngữ mới trong nghệ thuật tạo hình hiện đại.
_______________
Chú thích:
1. Hình thức trang trí bằng các vật quý được gọi là thất bảo, bao gồm: vàng, bạc, ngọc trai, xà cừ, mã não, kim cương và ngọc lưu li. Bộ thất bảo sẽ được chúng tôi đề cập đến trong một chuyên khảo khác.
2. Khuê văn các là tên riêng của một công trình kiến trúc trong quần thể Văn miếu - Quốc tử giám.
3. Ở đây chỉ xét đến các loài hoa trong tự nhiên. Còn trên thực tế hiện nay các loài hoa cúc lại có thể nở cả bốn mùa.
Nguồn: Tạp chí Văn hoá Dân gian, số 01/2005
Tin liên quan
Chọn bài viết hiển thị
Những phương pháp bảo quản cổ vật không phải ai cũng biết
laocovat
Thứ Sáu, 16 Tháng Mười Hai 2022
NÉT ĐẸP CỦA ĐỒ GỐM SỨ TRONG HOÀNG CUNG THĂNG LONG - THE BEAUTY OF CERAMICS FROM THANG LONG IMPERIAL PALACES
laocovat
Thứ Sáu, 16 Tháng Mười Hai 2022
Chỉnh sửa ảnh liên kết
Địa Chỉ Cửa Hàng Chúng Tôi
Hotline: 098.13.02468
Email: contact@laocovat.com
Địa chỉ: 146 Nghi Tàm - Tây Hồ - Hà Nội