Tư vấn thẩm định cổ vật

Trang chủ / Tin Tức / TỪ THÚ CHƠI ĐẾN NGHỀ BUÔN ĐỒ CỔ CỦA NGƯỜI VIỆT

TỪ THÚ CHƠI ĐẾN NGHỀ BUÔN ĐỒ CỔ CỦA NGƯỜI VIỆTLike 0 97

TỪ THÚ CHƠI ĐẾN NGHỀ BUÔN ĐỒ CỔ CỦA NGƯỜI VIỆT

I /  ĐỒ CỔ

Đồ cổ là những sản phẩm văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần do con người sáng tạo ra trong quá khứ lịch sử , bằng nhiều chất liệu khác nhau , được bảo tồn đến nay .

Đồ cổ có rất nhiều loại ,bằng nhiều chất liệu và có giá trị trên nhiều mặt . Từ những đồ cổ được sưu tập , sắp xếp có hệ thống và xác định niên đại hoặc thời đại , người ta có thể thấy được trình độ kỹ thuật , thẩm mỹ , tư tưởng , tình cảm của con người và cộng đồng dân tộc trong mỗi triều đại , thời kỳ lịch sử , có thể hiểu được nền văn hóa , văn minh của dân tộc ấy . Thông thường , đồ cổ có ý nghĩa và giá trị nổi bật trên hai mặt mỹ thuật và kinh tế . về mặt mỹ thuật , đồ cổ đem lại cho chúng ta tình cảm thẩm mỹ , thưởng thức cái đẹp hiếm có do người xưa để lại . về mặt kinh tế , đồ cổ có thể được định giá bằng tiền bạc , bằng vàng với giá trị vật chất lớn , do đó đồ cổ có thể được trao đổi , mua bán như những hang hóa đặc biệt .Thú chơi đồ cổ xuất phát chủ yếu từ yếu tố mỹ thuật của đồ cổ . Nghề buôn đồ cổ xuất phát từ giá trị kinh tế của sản phẩm này . Từ giá trị to lớn của đồ cổ và nhu cầu sử dụng rộng rãi chúng đã nảy sinh nghề làm giả đồ cổ . Thú chơi ấy , các nghề ấy xuất hiện và song song tồn tại ở nước ta , cũng như trên thế giới từ lâu đời .Việc sưu tầm săn lung và buôn bán đồ cổ xưa nay đã đem lại không ít vinh quang , sự giàu có , nhưng cũng xảy ra nhiều bất hạnh , đắng cay cho con người .

Người Việt Nam , từ Huế vào Nam thường gọi các loại mỹ nghệ phẩm được làm khoảng trăm  năm về trước là đồ xưa , còn người Miền Bắc thì gọi chúng là đồ cổ . Bây giờ thuật ngữ đồ cổ đang được dùng rộng rãi trong cả nước , chỉ tất cả các sản phẩm cổ xưa , phần lớn đều quý hiếm , đồ đồng , đồ đá , đồ vàng bạc , đồ gỗ , sách cổ , vv …. Từ trống đồng , tượng đồng , tượng đá , đồ gốm , bàn ghế , hòm tủ , đến câu đối , hoành phi , tranh khắc , tiền cổ …. Còn nghành bảo tàng thì gọi chúng bằng thuật ngữ cổ vật , hiện vật cổ .

1/ Cổ vật bảo tàng .

Cổ vật quốc gia được lưu giữ ở các bảo tàng trong nước .Xin hãy đến Viện bảo tàng Hà Nội , nơi đang lưu giữ bảo quản tới 5.500 cổ vật …. Trong hầm tối – theo đúng nghĩa của từ này . Các nhà chuyện môn cho biết đây là một kho tàng vô giá , có một không hai ở Việt Nam . Người duy nhất đang có trách nhiệm quản lý kho cổ vật này là bà Nguyễn Kim Nguyên , tốt nghiệp khoa Bảo tàng Đại học Lômônôxốp ( Liên Xô cũ ) , chuyên viên cổ vật của viện Bảo tàng Hà Nội . Đến nay , Viện đã có bộ hồ sơ hàng nghìn trang về các cổ vật của mình , do bà Lê Kim Nguyên âm thầm thiết lập trong suốt 4 năm qua .

Mỗi trang hồ sơ ấy mô  tả một cổ vật , bằng 4 tấm ảnh , kèm theo một bảng lý lịch ghi rõ tên cổ vật , nơi xuất xứ , chất liệu kích thước , kiểu thức trang trí . Niên đại , ngày xác định niên đại , người xác định niên đại , vv …chồng tài liệu dày 3300 trang chất cao từ nền nhà lên quá đầu người . Nếu một người xem liên tục có lẽ phải mất một tháng mới hết bộ hồ sơ này , bà Lê Kim Nguyên giải thích : ‘’ Có tất cả 5500 hiện vật , nhưng chúng tôi mới phân loại được 3300 cái ‘’ .

Thực ra , người chuyện viên cổ vật rất đáng khâm phục này chỉ trông coi cổ vật qua ảnh chụp trong bộ hồ sơ lớn đó  , đồng thời cũng là công cụ để bà giới thiệu vốn cổ vật với đồng nghiệp và khách thăm quan , nghiên cứu khi cần thiết . Còn kho đồ cổ thì để ở dưới tầng hầm kiên cố của tòa nhà Bảo tàng . Cửa kho luôn luôn có giấy niêm phong và lần lượt ba lớp khóa . Theo phóng viên tờ tuần báo Thanh Niên Huỳnh Ngọc Chênh ( số 22 (462 ) ra ngày chủ nhật  27 -2-1994 )thì trước đây , người tiền nhiệm của Lê Kim Nguyên đã phải bị tù oan trong Hỏa Lò chỉ vì đánh rơi tượng ngọc bích vào trong một lọ bình mà ba năm sau mới tình cờ phát hiện được .

Kho cổ vật có hang ngàn hiện vật từ tranh , tượng cổ của Trung Quốc , Nhật Bản đến đồ đồng cổ Việt Nam , từ đồ gốm đời Minh , Thanh đến đồ gốm sứ , ngà ngọc đời Lý Trần cho đến các vật dụng cổ của người Châu Âu . Theo Niên đại trong kho này có có mặt đầy đủ các hiện vật từ trước Công Nguyện cho đến đầu thế kỷ XX . Các cổ vật ở đây – dấu tích văn hóa hang nghìn năm của Việt Nam và nhiều dân tộc khác , một di sản quý giá của nhân loại được dồn nén lại trong một diện tích 50m vuông của căn hầm .

Nếu phân loại theo chất liệu , kho cổ vật này có các loại : đồ gốm , đồng , đá ,ngà , ngọc , vàng , bạc , thủy tinh , da , gỗ , giấy ..vv ., phân theo chủng loại , có tới 40 loại , gồm tranh , tượng , chuông , trống , bình , lọ , thạp , thống , chóe , chén , bát , ly , tách , bình vôi , nậm , đồng hồ , bàn là ….vv . , theo quốc tịch , chúng có xuất xứ ở Việt Nam , Trung Quốc , Nhật Bản ,Triều Tiên , Thái Lan , Ấn Độ và một số nước Châu Âu . Các cổ vật được xếp chồng trên các bệ gỗ , được bày la liệt trên sàn hầm , được đựng trong các thùng gỗ , hòm thiếc , giỏ tre ….

Nguyên là những cổ vật trôi nổi , chúng được tập hợp lại một cách khác thường .Loại cổ vật đầu tiên mà Bảo Tàng Hà Nội hiện có là do lượm nhặt được từ đống vật dụng bát nháo . Trong số ấy , quan trọng nhất là nhóm đồ đồng Đức Giang . Người ta định gom lại để đưa đi nấu đồng , nhưng may sao một vài người có trách nhiệm biết được đó là đồ cổ rất quý giá nên nhặt ra và đem về giao cho Bảo Tàng cất giữ .Đồng thời , hàng trăm đồ sành sứ , gốm quý hiếm thời Minh , Thanh và  Lý , Trần cũng được thu lượm theo con đường này .

Một loại tượng bằng đồng , gỗ , sành …. Của nhiều đình ,chùa ,am , miếu  được thu về khi các nơi tôn nghiêm ấy bị sập đổ , bị bom đạn chiến tranh , bị phá dỡ hay biến thành nhà kho , văn phòng hợp tác xã , hoặc tượng bị thu giữ chuẩn bị hủy trong phong trào chống mê tín dị đoan và nhiều hoàn cảnh xót xa khác .

Số khá lớn đồ cổ khác nữa của Bảo tàng Hà Nội do các cơ quan quản lý văn hóa và bảo vệ pháp luật ( Công an , hải quan , quản lý thị trường ) chuyển giao . đó là kết quả điều tra và khám phá các vụ buôn lậu đồ cổ ra nước ngoài . Trong số đồ cổ chuyển giao , có đôn nghê bằng đồng trị giá hàng triệu đô la Mỹ , nhưng năm 1991 bọn buôn lậu đã đem bán cho một người nước ngoài với giá 50.000 USD , cơ quan công an kịp phát hiện và thu lại được . Hoặc như bộ Long Đỉnh Bát Tràng , các đỉnh sứ , lục bình cao 1,40m có niên đại thế kỷ XIV, vv…. Cũng tịch thu được từ bọn buôn lậu .

20 trống đồng Cổ Loa cũng được tàng trữ tại kho cổ vật này . Chúng được tập hợp từ 20 địa điểm khác nhau , vơi những bối cảnh riêng biệt .Đây là bộ sưu tập vô cùng quý giá , khá hoàn chỉnh về trống đồng Cổ Loa ( từ thời An Dương Vương về sau ) mà không nơi nào có được , kể cả viện Bảo Tàng Lịch Sử Việt Nam (Bác Cổ , Hà Nội ) .

Cho đến nay công việc phân loại cổ vật của viện Bảo Tàng Hà Nội mới tiến hành được chưa quá 2/3 số cổ vật chưa lập hồ sơ , phân loại còn hơn 2.000 đơn vị . Hiện trạng đó cần phải khắc phục , nhưng do những  khó khăn thực tế về tài chính và cơ sở vật chất . Thêm vào đó , viện chưa có một địa điểm trưng bày nên cổ vật vẫn bị ‘’giam’’trong hầm kín ! bao trùm lên hết thẩy các trở ngại ấy là yêu cầu bảo vệ an toàn đối với cổ vật quốc gia một khi đem ra trưng bày , giới thiệu rộng rãi .

Bà Lê Kim Nguyên cho biết : cổ vật có giá trị rẻ nhất cũng khoảng  8 triệu đồng . cái đắt nhất cũng tính đến triệu USD . Nhưng theo bà , đồ cổ còn có một giá trị khác , rất cao , không thể định giá bằng tiền bạc . Chúng là nguồn tài liệu ( hiện vật ) hết sức quý  giá cho những người nghiên cứu lịch sử , văn hóa , khảo cổ học .Chúng góp phần quan trọng  cho việc hoàn thành nhiều công trình , đề tài nghiên cứu khoa học về quá khứ .

Vậy thì cổ vật Bảo Tàng cần đem ra giới thiệu cho công chúng , nó không thể bị ‘’ giam ‘’ , nhưng phải giữ gìn và bảo vệ nghiêm ngặt .

2/ Những cổ vật men Celedon ( Xêladong ) ở Hòn Dầm , Phú Quốc .

Khoảng 200 loại đại diện cho 15.359 đơn vị cổ vật ( đồ cổ ) tất cả đều là gốm men Celadon , trục vớt ở biển ven Hòn Dầm . Phú Quốc ( Kiên Giang ) đã được đem triển lãm tại Bảo Tàng Mỹ Thuật Thành Phố Hồ Chí Minh , khai mạc vào ngày 1-9-1993 .

Kho tàng gốm cổ có giá trị này do tỉnh Kiên Giang và luên hiệp Xí Nghiệp trục vớt cứu hộ ( Visal) không có liên doanh với một công ty nước ngoài nào ,  trục vớt tại Hòn Dầm vào năm 1991 . Khu vực tàu chìm tương đối cạn , chỉ khoảng 20m bề sâu , nên việc trục vớt thuận lợi . Đây là cuộc trục vớt đồ cổ tàu đắm tại Hòn Dầm có quy mô và bài bản nhất , cũng là lần vớt triệt để các cổ vật trong con tàu đắm này .

Nói lần vớt quy mô , bài bản và triệt để nhất , bởi trước đó cổ vật ở đây đã được dân vớt khá tự do sau khi phát hiện ra ‘’ kho báu ‘’ .

Trở lại khởi điểm cách đây khoảng 20 năm , có vài ngư dân ở Phú Quốc , có lần đã câu được … cái tô! Lưỡi câu của họ mắc vào cái tô dính hầu (hà ) . Họ cho rằng cái tô đó của ‘’bà’’ của ‘’ cậu ‘’ nên vội khấn vái và thả xuống biển để trả ‘’thần ‘’ .Trong số họ . có người táo tợn hơn mang về nhà , như ông Nguyễn Văn Hoành ( xóm 3 , ấp 1 , xả An Thới , Phú Quốc ) cũng chỉ dám để trên bàn thờ làm đồ thờ .

Thời gian qua đi , câu chuyện những cái tô kỳ lạ như truyền thuyết chắc không còn làm cho ngư dân trong vùng biển Hòn Dầm chú ý , nếu không diễn ra sự  kiện mới . Đó là sự kiện các cổ vật trục vớt ở Hòn Cau , Côn Đảo được đem đấu giá tại Amstredam được 6,7 triệu USD vào năm 1990 , làm xôn xao dư luận . Thế là các thợ lặn ở Phú Quốc thi nhau đến vùng ông Đực vớt đồ tàu đắm .Họ vớt lên rất nhiều đồ gốm và tiền cổ . Đồ vớt được đem bán rẻ như ở chợ An Thới .Cấp ủy xã An Thới thấy vậy , đã kịp thời báo cáo lên huyện . Lãnh đạo huyện không hiểu hết giá trị  các đồ vật ấy ,cho là vật bình thường , nên không đánh thuế và để cho dân vớt bán tùy ý . Ngay cả một số đơn vị , cơ quan ở địa phương cũng đi vớt đồ cổ , bán gây quỹ . Bán 3 lô gốm cổ đi gán nợ , bình quân mỗi cái chỉ 5.000 đồng . mà chủ nợ cũng không nghe !

Đã có bao nhiêu đồ cổ được mò vớt tự phát và mua bán tự do như thế  , đến nay vẫn chưa ai thống kê được .

Đầu tháng 5 năm 1991 , các cơ quan hữu trách của tỉnh Kiên Giang đã kiểm tra đánh giá tình hình nói trên và cho tiến hành trục vớt . Kết quả thật bất ngờ . Trừ những chiếc bị vỡ hỏng  còn lại 15.539 cổ vật gốm Celadon đã được vớt lên nguyên vẹn , cùng với chiếc ngà voi ( sơ chế , đường kính 2,5 cm  dài 20 cm ) 7 cục thiếc lớn , 8 trong 10 đồng tiền cổ còn nguyên (  hình tròn có lỗ vuông ) mang dòng chữ Hoàng Tông thông bảo , Chí Nguyên thánh bảo , Tường Phù thông bảo , Vĩnh Lạc thông bảo đều của Trung Quốc đương thời ) .

Gốm men Celadon ở Hòn Dầm là một loại gốm rất quý thời Tống – có màu xanh lá cây nhạt , có điểm lấm tấm như hạt bụi – gọi chung là gốm Tống .

Thợ gốm Trung Quốc thời nhà Tống ( 980 – 1279 ) phát hiện và sử dụng men ấy để trang các loại tô , bát đĩa , bình chậu , thống …. Thoạt đầu thợ giỏi sản xuất gốm tập trung ở Hồ Nam .Bị quân Kim đánh chiếm , thợ Bắc Tống , nhất là thợ gốm hoàng gia phải chuyển tới Hàng Châu để tiếp tục sản xuất , đồng thời cũng xuất hiện một số lò gốm tại Thổ Cương .

Năm 1279 nhà  Tống bị tiêu diệt ‘’ theo một vài sách kể , thì thợ gốm di thần nhà Tống , không khứng phục nhà Nguyên , đã kéo đi lập nghiệp nơi ba chỗ khác nhau đều có sản xuất Celadon , đó là : Cao Ly Quốc , An Nam Quốc ( vùng Thanh Hóa ) và Xiêm La quốc ( vùng Sanvankhalog ) .

Các loại gốm Tống . do hình dáng và màu men độc đáo , ngay thế kỷ 15 đã được ưa chuộng ở vùng cận Đông  , và sau đó , bắt đầu xuất hiện tại thị trường Châu Âu vào thế kỷ 17 . Ở Pháp dưới thời vua Louis 16 ( 1774- 1791 ) , loại gốm này trở thành món hàng thời trang của giới quý tộc cung đình và thị dân khá giả . Người ta đặt cho nó cái tên Pháp là gốm Celedon ( celadon là tên chàng rất lãng mạn trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Honoré d’Urté – ý nói là đồ gốm lãng mạn ) .

Trở lại cổ vật gốm Celadon ở Hòn Dầm . Theo kết quả giám định của hội đồng giám định cổ vật thuộc Bộ Văn Hóa – thông tin các đồ gốm này được kết luận  : Chúng xuất xứ từ Thái Lan , do Thái Lan sản xuất vào thời kỳ đầu thế kỷ 15 .

Văn phòng chính phủ nước ta chỉ thị giữ lại cho Bảo Tàng Lịch Sử Trung Ương , Bảo Tàng Mỹ Thuật và Bảo tàng Kiên Giang mỗi nơi 2 bộ  , bao gốm các bộ gốm nguyên vẹn ( lành lân , men bóng , sang ) và tiền cổ vớt ở Hòn Dầm .Tổng số đồ gốm giữ lại là 126 chiếc , tiền cổ không nhiều lắm , được lựa chọn kỹ càng , đánh ký hiệu lưu trữ và dĩ nhiên được bảo vệ lâu dài .Số cổ vật còn lại , chiếm phần lớn , tới hơn 15 nghìn chiếc được đem trưng bày và bán trong nước , nước ngoài .

Kết Quả giám định về xuất xứ đồ gốm cổ ở Hòn Dầm của cơ quan chức năng ngành văn hóa chưa làm cho một số nhà nghiên cứu gốm cổ nhất trí . Người ta còn nghi vấn về xuất xứ các cổ vật này . Trên tờ Nguyệt san Thanh Niên ( số 32 , tháng 11 -1993 ) tác giả Q.H ( khg ký rõ tên ) nêu lên nhận xét và quan điểm của mình về sự ‘’ nghi vấn ‘’ ấy .

‘’ Đồ gốm Tống …. Vào thế kỷ 15 được sản xuất tại 4 nơi : Trung Quốc , Cao Ly ( Triều Tiên ) Savankhalog ( Thái lan ) và Thanh Hóa ( Việt Nam ) . Đồ Tống Thanh Hóa rất mỏng manh . nhẹ làm bắng đất nung , men ngà ngà và bóng , không có ánh kim sa . Cao Ly quốc ở quá xa vùng biển Phú Quốc , như thế đồ cổ vớt được ở Hòn Dầm chỉ có thể là gốm Trung Quốc hoặc Savankhalog .

‘’ Vậy căn cứ vào đâu để phân biệt hai loại đồ gốm cùng cấu trúc , cùng hình dáng , cùng có màu men Celadon đặc trưng này ? Nếu đúng là thuyền Thái Lan , tại sao trên thuyền chỉ có tiền cổ Trung Quốc tương ứng với thời gian tiền ấy được sử dụng ? Theo chúng tôi biết , lúc ấy ở Việt Nam không dung tiền Hán để trao đổi mua bán ! và dẫu sao , thủy thủ nước nào cũng phải ‘’lận lưng’’ vài đồng bạc của mình . Lại nữa , nếu thuyền Thái Lan chở đồ về hướng Phú Quốc , thì chắc chắn không phải để xuất khẩu sang vùng Cận đông  hoặc Phương Tây …Một đoàn du khách nước Đức ( do cán bộ VN hướng dẫn ) đến thăm nơi trưng bày cổ vật Hòn Dầm ( vào ngày 4- 9-1993 ) , nhận xét : ‘’ Đây là đồ cổ Trung Quốc “” .

Toàn bộ gốm cổ này đều bằng chất liệu nặng màu trắng , hoặc phủ một lớp men Celadon có trang trí hoa văn chìm hoặc để trơn ( không tráng men , không hoa văn ) . Chúng đều được nặn bằng một thứ nguyên liệu : sa thạch , có thể chia thành 7 chủng loại  chính , mỗi chủng loại được dung 3 loại nguyên liệu đất khác nhau , tạo thành các sản phẩm có trong lưỡng và kích thước khác nhau . Như vậy , 15.359 món đồ cổ này bao gồm 21 loại khác nhau .

Mặc dù vẫn chưa thống nhất về xuất xứ của ‘’kho báu ‘’ Hòn Dầm , từ Thái Lan hay từ Trung Quốc , nhưng về giá trị của nó thì ai cũng thừa nhận là quý và cổ . Đây là kho cổ vật quý , có thể làm phong phú thêm kho tàng cổ vật của nước ta , mặt khác , đã đem lại số tiền , nhất là ngoại tệ mạnh cho ngân sách nhà nước .

Việc giới thiệu , trưng bày các cổ vật này ( chủ yếu là đồ gốm Celadon ) có ý nghĩa tích cực , góp phần nâng cao kiến thức về một loại đồ cổ rất quý giá : gốm Tống hay gốm men Celadon .

II / THÚ CHƠI ĐỐ CỔ

Một thú chơi sang trọng , thanh tao , thi vị phát sinh trong xã hội loài người ở khắp nơi trên thế giới từ rất lâu đời là thú chơi đồ cổ .

Ngoài Trung Quốc có bản tính hiếu cổ .Các triều vua thời Đường , Tống , Minh , Thanh đều thích sưu tầm cổ vật quý  , như cổ khí , văn vật từ thời Hạ , Thương , Chu … để làm quốc bảo vật . Còn ở phương Tây , các nhà cầm quyền và giới quý tộc phong kiến , ngay từ thế kỷ XV , đã say mê tìm kiếm các loại cổ vật của phương Đông .

Thú chơi đồ cổ ở Việt Nam nảy sinh từ khá sớm .Có lẽ nó có nguyên nhân chủ quan và khách quan sau đây :

1/Nhu cầu thưởng ngoạn , giải trí của vua chúa , của các nhà quyền quý , của các nghệ nhân , trí thức nước ta .

2/sản phẩm thủ công cao cấp của ta rất đẹp , được làm từ rất xa xưa , nhiều loại không thua kém Trung Quốc , Nhật Bản .

3/Nhiều sản phẩm thủ công tuyệt hảo của nước Trung Quốc làng giềng sớm du nhập vào Việt Nam .

Dưới chế độ quân chủ chuyện chế , đồ cổ và các vật quý khác ( vàng , ngọc , ngà …) đều giành riêng cho vua và quan lại cao cấp sử dụng . Ngay cả những của ngon vật lạ , sơn hào hải vị , đặc sản quý đều phải cung tiến vua và triều đình phong kiến theo quy định . Vì vậy , dân gian gọi nhiều loại đặc sản do mình làm ra là ‘’tiến ‘’như  nhãn tiến (nhãn lồng ) vải tiến ( vải thiều ) , vv…Luật lệ cũ của triều đình không cho phép thường dân xây dựng nhà cửa to lớn , không sử dụng đồ vật sang trọng , quý báu như của vua , chúa và những người có phầm hàm , chức tước . Nhân gian nếu có đồ cổ , vật quý đều phải nộp cho triều đình , hoặc phải cúng kiến vào chùa chiền , đền miếu làm đồ thờ cúng .

Trước kia đồ cổ không phải là vật phẩm để chơi cho tất cả mọi người , như quan niệm ngày nay .

Mãi đến cuối thế kỷ XIX , khi d8a6t1 nước ta hoàn toàn rơi vào tay thực dân Pháp , mọi trật tự xã hội và quan niệm truyền thống bị đảo lộn , thay đổi , uy quyền của vua chúa mất dần , nhà nước phong kiến suy yếu , thế lực địa chủ , thương nhân mạnh dần lên .Chính những người mới phất lên thành  giàu sang này đã nghĩ đến việc chơi đồ cổ .Bởi vì bấy giờ mới có điều kiện cả về kinh tế cả về xã hội để họ thực hiện mong ước của mình , cũng là mơ ước lâu đời của người dân .Do có tiền và muốn chơi sang , để chọi lại giới quyền quý xưa , cũng là để giải trí , những người chơi đồ cổ hồi bấy giờ cố công sưu tầm cổ vật quý Việt Nam và tìm mua đồ gốm sứ , hoặc các loại đồ gỗ gia dụng quý giá của Trung Quốc , sản xuất vào các thời Minh – Thanh . Họ bày  biện , trang trí nhà cửa bằng những đồ cổ ấy , nhiều khi được lựa chọn kỹ càng và sắp xếp theo yêu cầu mỹ thuật rất cao , nhằm tạo ra vẻ mỹ cảm đặc biệt hoặc nhấn mạnh sự giàu sang . Từ đó , thú chơi đồ cổ dần dần lan rộng trong nhân dân . Những kiến thức mới về khảo cổ và mỹ thuật được giới trí thức tân học tiếp thu rồi phổ biến trong dân chúng .

Từ cuối thế kỷ XIX đến những năm đầu thế kỷ XX , do kết quả của khảo cổ học , dân tộc học và nghiên cứu văn hóa song song với hoạt động của Viện Viễn Đông Bác Cổ ( Hà Nội ) và Hội Đô Thành Hiếu Cổ ( Huế ) các viện bảo tàng được thành lập ở Bắc Kỳ , Trung Kỳ và Nam Kỳ đã mở các cuộc triển lãm cổ vật giới thiệu những di sản văn hóa của dân tộc cho công chúng thưởng thức .

Tại kinh đô Huế , dưới triều Khải Định ( 1916 – 1925 ) , Viện bảo tàng Khải Định được mở ra . Bảo tàng này đã trưng bày các bảo vật của Hoàng gia , vốn trước đó được cất giữ bí mật .Cần nói them rằng : Khải định là ông vua rất ham thích đồ cổ . Dưới thời ông , các đại thần , quý tộc , hoàng thân quốc thích đều thi nhau chơi đồ cổ . Trong các nội phủ , các dinh thự vàng son , đồ cổ không chỉ để bày biện , trang trí , mà còn được dùng trong cúng tế , yến tiệc và cả trong sinh hoạt hàng ngày . Hơn nữa , ngay tại đất cố đô , nghề buôn đồ cổ được phép hoạt động . Lúc ấy , các nhà buôn đồ cổ tiếng tăm lừng lẫy ở Huế là các ông Tham Hòa , Nghè Hưng , Cửu Sung .

Trong thời gian ấy ở Bắc Kỳ , các nhà chính trị và giới thương gia cũng đua nhau chơi đồ cổ . Những viên quan khét tiếng như khâm sứ Hoàng Cao Khải  , tổng đốc Hoàng Trọng Phu , tổng đốc Nguyễn Văn Định … trưng bày la liệt kỳ trân , bảo vật trong nhà , ngoài sân dinh thự nhằm thỏa mãn thú chơi quyền quý , cao sang một thời .

Ở Hà Nội , trong giới chơi đồ cổ là các thương gia những năm đầu thế kỷ , đến nay người Hà Nội vẫn cón nhắc tới tên tuổi : Ông Hương Ký ( chủ hiệu ảnh Hương Ký ) ông Nguyên Ninh ( chủ doanh nghiệp bánh cốm Nguyên Ninh ), ông Mỹ Thắng ( phố Hàng Bạc ) và hai nhân vật nữ không kém nổi tiếng là bà Bé Tý , cô Tư Hồng . Các ông Hương Ký , Nguyên Ninh , Mỹ Thắng đều rất sành về đồ cổ , có những bộ sưu tập quý hiếm .

Đặc biệt , ở phố Hàng Trống lúc bấy giờ , có nhà buôn đồ cổ lừng tiếng Hàn Liên . Cụ là người kỳ cựu trong nghề buôn bán cổ vật , mà tiếng tăm đã vang khắp nơi trên Đông Dương và tới tận Pari , thủ đô nước Pháp .

Còn trên đất Nam Bộ , thú chơi ‘’đồ xưa’’ cũng lan rộng trong nhân dân từ thành thị đến thôn quê . Ở Sài Gòn thời Pháp thuộc , nổi tiếng sành chơi cổ vật hơn cả bà Đốc Phủ Hà Minh Phải . Trên đất Vĩnh Long cũng có ông Phán Nuôi được người đương thời mệnh danh ‘’ đệ nhất về đồ xưa ‘’ . Tại đường Catinat ( nay là đường Đồng Khởi , TPHCM )  có tiệm Pháp Vũ chuyên bán đồ cổ .Tiệm này chuyên cung cấp các đồ quý lạ cho những người sành điệu . Ở Chợ Lớn bấy giờ cũng có nhà buôn Chánh Đào Ngọc chuyên cung cấp các loại bình thường cho người miệt vườn vùng Lái Thiêu và các tỉnh miền Tây Nam Bộ .

Như vậy , thú chơi đồ cổ cũng như thú chơi non bộ và cá cảnh Việt Nam phát triển rộng rãi từ Bắc đến Nam ăn sâu bắt rễ trong nhân dân , đem lại niềm say mê mỹ cảm rất lành mạnh . Đồ cổ không chỉ đẹp , mà còn quý hiếm , cho nên việc chơi đồ cổ thường đi liền với việc buôn bán đồ cổ . Có thể nói các nhà chơi đồ cổ và các nhà kinh doanh đồ cổ bao giờ cũng là người có công sưu tầm và bảo quản các đồ vật . Tính sôi động của thị trường đồ cổ , phần đông là thị trường ngầm lắt léo và phức tạp sẽ được nói tới ở phần sau . Còn bây giờ ta hãy tìm hiểu thú chơi , kiểu chơi đồ cổ của người Việt Nam .

III/ CÁC TRƯỜNG PHÁI CHƠI ĐỒ CỔ

Nhìn chung ở nước ta có hai trường phái chính : Trường phái cổ đồ và trường phái sưu tập .

1/ Trường phái cổ đồ :

Chơi cổ đồ là dùng đồ cổ để bày theo đúng quy cách mỹ thuật cổ điển . Những người thuộc trường phái này luôn thấm nhuần tư tưởng triết học và quan niệm thẩm mỹ phương Đông cổ .

Cách chơi này phổ biến ở miền Bắc , phần nào chịu ảnh hưởng truyền thống Trung Hoa , nó toát lên phong cách tao nhã , triết lý sâu xa . Nhưng vẫn rất đậm nét ngầm phô trương chủ nhân là người cao sang , giàu có .

Để bày đồ cổ , người ta không đòi hỏi phải có nhiều hiện vật , mà chỉ đòi hỏi phải có vài thứ đồ cổ đích đáng , hội đủ ba điều kiện : ‘’ cổ , quý , kỳ ‘’ . Đồ phải thật sự là cổ , càng xa xưa càng hay . Đồ càng xưa càng quý . Nhưng chúng phải là loại sản phẩm kỳ lạ , tức là chất liệu và tạo dáng phải thật độc đáo . Những đồ cổ đẹp , đơn chiếc , có một không hai thường được người chơi ưa chuộng  nhất .

Món đồ được chọn phải toàn bích , men màu , kích thước , hình dáng phải hoàn hảo , nhìn ngắm kỹ hoặc dùng kính lúp để soi đều không thể chê điểm nào được .

Nghệ thuật trưng bày đồ cổ để thưởng ngoạn đòi hỏi một bối cảnh không gia hài hòa , vừa thoáng đãng , sang sủa , vừa có vật cảnh tạo nền .Thông thường , người ta tạo nền bằng các đồ gỗ cổ hoặc giả cổ tạo tác tuyệt khéo và hài hòa .Nền có tác dụng làm nổi bật các thứ đồ cổ , làm tang them giá trị nhiều mặt cũa chúng .Quan trọng  nhất là chủ nhân phải thông hiểu nghệ thuật trang trí Trung Quốc thời cổ với những bài bản ,  quy tắc của nó ở từng thời đại , thông hiểu phong cách nghệ thuật trang trí cổ Việt Nam , có kiến thức cần thiết về đồ cổ nói chung ,  hay ít ra cũng phải am tường loại đồ cổ mà mình quan tâm .

Người chơi ‘’cổ đồ ‘’thường chỉ đem những món độc đáo và quý giá nhất ( món ruột ) ra bày vào dịp lễ tết , hay những dịp quan trong khác , để giới thiệu với quý khách , bạn bè tri âm , tri kỷ . Chủ nhân cho đốt đỉnh trầm xông hương , tự tay pha trà , chuốc rượu mời khách . trong không khí thân tình và trang trọng ấy , chủ khách cùng nhau thưởng thức đồ cổ , săm soi phẩm bình , có chen thơ phú , xướng họa , tận hưởng cái thú tiêu dao , nhàn tản đầy thi vị như tao nhân mặc khách xưa .

2/Trường phái sưu tập

Trường phái sưu tập là một khuynh hướng lớn thứ hai ở Việt Nam của giới chuyên chơi đồ cổ  . Chơi đồ cổ theo cách này là người chơi phải tự chọn và quyết định sưu tập hiện vật theo một đề tài mà mình ưa thích .

Đề tài để sưu tập rất nhiều .Chủ nhân , nghệ nhân chỉ có thể chọn một lĩnh vực nào đó , như đề tài gốm Lý , Trần ( theo triều đại lớn ) bình vôi , ấm trà , hoặc gốm men ngọc , gốm hoa lam ( theo loại hình ) , khắc gỗ , khắc đá , tượng gỗ ( chất liệu – loại hình ) ,vv…

Người sưu tập theo trường phái này không đòi hỏi phải có điều kiện kinh tế quá cao , cũng không hẳn phài có kiến thức sâu sắc về lịch sử Trung Quốc như những  chủ nhân thuộc phái cổ đồ .Điều cần thiết nhất là phải bền chí và có nhiều thì giờ . Bởi vì đã là người chơi đồ cổ , nhất là người sưu tập cổ vật thì ai cũng mất thời gian tìm kiếm những thứ vốn vô cùng hiếm hoi , phải đi nhiều nơi , giao thiệp rộng , có những hiện vật xưa rất rẻ như loại bình vôi chẳng hạn . Nhưng khi những vật dụng ấy được tập hợp lại  thành bộ , thành một hệ thống chúng trở nên vô giá !.

Người sưu tập thường có tính kiên trì , ngày nay qua ngày khác , năm nay qua năm khác nhặt nhạnh , tìm kiếm cổ vật , nhất là những đồ thuộc đề tài ưa thích của mình . Tiếp cận thường xuyện với hiện vật , cố gắng tích lũy kiến thức qua sách báo và tiếp xúc trao đổi với các nhà sưu tầm , nghiên cứu khoa học đã thành một nhu cầu của người sưu tập đồ cổ . Điều kiện ấy đã dễ dàng đưa họ bước vào lãnh vực nghiên cứu chuyên sâu .

Phần thưởng quý nhất giành cho người sưu tập là bản thân mình hoàn thành bộ sưu tập độc đáo , được dư luận và đồng nghiệp đánh giá cao , hay tình cờ phát hiện ra những điều bí ẩn trong món đồ cổ do mình có được sau bao năm âm thầm góp nhặt ‘’ đãi cát tìm vàng ‘’ .

Trường phái sưu tập một thời cực thịnh ở miền Nam . Nó ảnh hưởng  phương pháp Âu – Mỹ  . Người sang lập phái này là nhà sưu tập Vương Hồng Sển , giáo sư Dương Minh Thới và kỹ sư Dương Văn Khuê , họa sĩ Nguyễn Văn Rô , nhà văn Ngọc Sơn .vv…là những môn đệ xuất sắc của các lão sư  ấy . Những ai từng tiếp xúc , trao đổi đều cảm nhận ở các vị sự lịch duyệt và uyên bác trong chuyên môn , cũng như trường đời . Chính họ đã sưu tầm , gìn giữ cho Sài Gòn  – Gia Định nói riêng , cho nước nhà nói chung những bộ sưu tập đồ cổ tuyệt kỹ .

Cụ Vương Hồng Sển là người được giới sưu tập quý trọng nhất , do công lao sưu tầm hiện vật và nghiên cứu khoa học . Những công trình nghiên cứu và trước tác của cụ trong nửa thế kỷ nay đã trang bị cho các nhà sưu tập nhiều kiến thức về đồ cổ , đồng thời cũng cổ vũ những thế hệ sau rất mạnh mẽ . Năm 1991 , nhà xuất bản thành phố Hồ Chí Minh đã cho ấn hành cuốn sách Khảo Cứu Về Đồ Sứ Cổ Trung Hoa , một trong những cuốn sách có giá trị của Vương Hồng Sển , được các nhà nghiện cứu và sưu tầm gốm sứ đánh giá cao .

Thú chơi đồ cổ , xét cho cùng , là một thú chơi mang tính văn hóa – nó không những có ích cho bản thân , gia đình , mà còn có ích cho xã hội . Không ít bọ sưu tập của tư  nhân đã trở thành nguồn bổ sung cổ vật cho các bảo tàng của nhà nước .

Khi trong nước có nhiều người dân hiểu giá trị quý báu của đồ cổ , say mê đồ cổ và ra sức sưu tầm , bảo quản chúng thì có thể giảm bớt tệ nạn ‘’ chảy máu đồ cổ ‘’ của ta ra nước ngoài .

Nguồn : Thạc Sĩ Bùi Văn Vượng

Để lại Đánh giá

Email của bạn sẽ được giữ kín, các trường cần điền sẽ đánh dấu *

Đánh giá*

Họ tên *

Email *

Tin liên quan

Chọn bài viết hiển thị
Xác Định Giá Trị Của Đồ Cổ

laocovat

Thứ Hai, 12 Tháng Mười Hai 2022

Xác Định Giá Trị Của Đồ Cổ
Đồ độc bản là gì?

laocovat

Thứ Hai, 12 Tháng Mười Hai 2022

Đồ độc bản là gì?
Tranh chữ PHÚC cỡ lớn
Chỉnh sửa ảnh liên kết

Địa Chỉ Cửa Hàng Chúng Tôi

Hotline: 098.13.02468

Email: contact@laocovat.com

Địa chỉ: 146 Nghi Tàm - Tây Hồ - Hà Nội